Trường TH&THCS Chính Nghĩa -Kim Động - Hưng Yên

Thursday, 16/01/2025 - 00:02|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường TH&THCS Chính Nghĩa

Chuyên đề : KHAI THÁC PHẦN MỀM QUIZIZZ VÀO TỔ CHỨC DẠY VÀ HỌC TRỰC TUYẾN MÔN GDCD

KHAI THÁC PHẦN MỀM QUIZIZZ VÀO TỔ CHỨC         DẠY VÀ HỌC TRỰC TUYẾN MÔN GDCD

 

Trong sự nghiệp giáo dục, việc đổi mới phương pháp dạy học là một nhiệm vụ quan trọng, một nhu cầu cần thiết nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Một trong những phương pháp để nâng cao chất lượng dạy học chính là ứng dụng các phần mềm hỗ trợ dạy học.Dưới đây là chuyên đề : “Khai thác phần mềm Quizizz vào tổ chức dạy và học trực tuyến môn GDCD”. Chuyên đề thể hiện rõ dù là dạy học trực tuyến nhưng thầy và trò vẫn có những giờ học sôi nổi hứng thú thông qua việc đổi mới phương pháp và sử dụng các phần mềm dạy học phù hợp

Phần I: Mở đầu

I. Lý do thực hiện chuyên đề.

    Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại địa phương, HS không đến trường, việc tổ chức dạy và học được thực hiện dưới hình thức trực tuyến.

Với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội, internet… HS dễ bị cám dỗ bởi các thông tin, trò chơi không lành mạnh trên mạng... dẫn đến việc vừa học vừa chơi ngay trong tiết học đang diễn ra.

Một câu hỏi được đặt ra: Làm thế nào để tổ chức dạy học trực tuyến có hiệu quả đạt được mục tiêu về kiến thức và phát triển phẩm chất, năng lực người học? ở các môn học nói chung và môn Giáo dục công dân nói riêng.

             Với vai trò là người thiết kế và tổ chức lớp học, tôi luôn trăn trở là làm thế nào để HS thật sự tích cực và thấy hứng thú trong giờ học. Qua tìm hiểu, khai thác phần mềm Quizizz tôi nhận thấy, việc sử dung phần mềm này trong các hoạt động học đã tạo được hứng thú cho HS, HS đã tích cực tham gia vào các hoạt động học tập trong các chủ đề học của bộ môn GDCD. Vì vậy tôi lựa chọn giải pháp: Khai thác phần mềm Quizizz vào tổ chức dạy và học trực tuyến môn GDCD”

II. Mục đích thực hiện chuyên đề.

- Dựa vào việc thiết kế, tổ chức hoạt động dạy học có sử dụng Khai thác phần mềm Quizizz vào tổ chức dạy và học trực tuyến môn GDCD” để nâng cao hiệu quả dạy và học.

           - HS khai thác có hiệu quả ứng dụng của các phần mềm phục vụ việc học tập, thúc đẩy sư say mê, tìm tòi, khám phá và phát triển năng lực công nghệ thông tin.

          - Phát triển năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo cho HS. Qua đó, giúp các em trau dồi, rèn luyện các kĩ năng thiết yếu của người lao động trong thế kỉ XXI.

Phần II. Nội dung chuyên đề: Khai thác phần mềm Quizizz vào tổ chức dạy và học trực tuyến môn GDCD”

1. Quizizz là gì?

- Quizizz là một ứng dụng được dùng để kiểm tra kiến thức ở các môn học cũng như kiến thức xã hội thông qua hình thức trả lời trắc nghiệm.

 - Các câu hỏi trắc nghiệm trong Quizizz thuộc nhiều danh mục với cấp độ khác nhau để HS thử sức, đánh giá HS.

- GV có thể tạo câu hỏi hoặc có thể truy cập bộ câu hỏi do người khác chia sẻ để sử dụng trong giảng dạy.

- Quizizz tạo hứng thú cho người học, đồng thời giúp người dạy nắm bắt mức độ tiếp thu cũng như phản hồi của HS, từ đó GV có những điều chỉnh về nội dung và phương pháp cho phù hợp.

- Quizizz phù hợp với việc dạy học trực tuyến.

2. Cách khai thác và sử dung Quizizz trong dạy - học

2.1. Đối với GV:

- Thứ nhất: Đăng ký tài khoản

+ Bước 1:  Truy cập vào địa chỉ https://quizizz.com.

Tại màn hình trang chủ, ấn vào nút Get Started để tiến hành đăng ký tạo khoản mới.

+ Bước 2: Chọn đăng ký tài khoản Google hoặc bằng Email. Sau khi nhập xong địa chỉ email thì ấn Next để chuyển đến màn hình tiếp theo

+ Bước 3: Chọn sử dụng at a school

+ Bước 4: Ở cửa sổ kế tiếp ứng dụng sẽ hỏi về công việc của các bạn, hãy chọn mục Teacher.

+ Bước 5: Nhập một số thông tin cá nhân. Sau khi nhập đầy đủ các bạn ấn vào nút Continue để chuyển đến màn hình quản lý.

- Thứ hai: Tạo câu hỏi

+ Bước 1: Để tạo một bài quizizz mới, ấn nút Create.

+ Bước 2: Đặt tên và chọn chủ đề cho bài. Ở phần 1, nhập tên phù hợp, phần 2 chọn môn học

+ Bước 3: Tạo câu hỏi (có thể tự tạo hoặc lấy từ thư viện), ấn vào Write your own để tự tạo.

+ Bước 4: Chọn vào Multiple choice để tạo câu hỏi có một đáp án đúng.

+ Bước 5: Tạo câu hỏi và các đáp án, sau đó chọn đáp án đúng, thời gian và ấn vào lưu

+ Bước 6: Chọn ngôn ngữ và đặt thời gian chọn cách giao bài

2.2. Đối với học sinh:

- Bài làm của HS có thể ở dạng trắc nghiệm hoặc tự luận (theo yêu cầu của GV)

- HS vào làm bài bằng hai cách

 Cách 1: Truy cập vào địa chỉ https://joinmyquiz.com, sau đó nhập mã code bên dưới. Khi đã đầy đủ thông tin cá nhân thì ấn nút START để bắt đầu làm bài.

Cách 2: Nhấn vào đừng link GV cung cấp, sau đó nhập tên và nhấn vào làm bài.

3. Ứng dụng Quizizz vào dạy học GDCD

- Dạng câu hỏi tự luận

- Dạng câu hỏi trắc nghiệm có một đáp án đúng

- Dạng câu hỏi tự luận điền khuyết

- Dạng câu hỏi trắc nghiệm có nhiều đáp án đúng

3. Ví dụ minh họa:

Sử dụng trò chơi này ở phần Khởi động khi dạy bài 7 - Ứng phó với các tình huống nguy hiểm từ con người (Tiếp)

– GV cấp đường link vào ô trò chuyện trên phòng zoom hoặc nhóm zalo.

– HS nhấn vào đường link và làm bài.

– Giáo viên theo dõi HS làm bài

– Hết thời gian, GV công bố kết quả.

Phần III: Kết luận

Qua việc áp dụng trò chơi Quizizz trong phần khởi động giáo viên có thể giúp học sinh ghi nhớ và tái hiện lại những kiến thức đã được học ở tiết 1. Từ đó các em dễ dàng lĩnh hội các nội dung tiếp theo của bài học. Trò chơi còn giúp kích thích tính chủ động sáng tạo của học sinh, phá vỡ hàng rào ngăn cách giữa thầy và trò, phát huy năng lực tự học và tự chủ, giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực công nghệ thông tin, đồng thời tạo ra không khí học tập sôi nổi, giúp học sinh “học mà chơi, chơi mà học”.

 

Bài dạy minh họa

       

Tiêt 19 - Bài 7

ỨNG PHÓ VỚI CÁC TÌNH HUỐNG NGUY HIỂM TỪ CON NGƯỜI(Tiếp)

 

I. MỤC TIÊU: Qua tiết dạy, đạt được

1. Kiến thức

 - Nêu được cách ứng phó với một số tình huống nguy hiểm từ con người.

* Tích hợp ATGT: Biết vận dụng được một số quy tắc tham gia giao thông an toàn.

2. Năng lực

*Năng lực chung:

Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: Phát hiện và giải quyết được những tình huống phát sinh trong cuộc sống hàng ngày.

*Năng lực đặc thù:

Năng lực tự nhận thức và tự điều chỉnh hành vi: Nhận biết được những kỹ năng sống cơ bản, phù hợp với lứa tuổi.

3. Phẩm chất

Trách nhiệm: Có ý thức tìm hiểu và sẵn sàng tham gia các hoạt động tuyên truyền, chăm sóc, bảo vệ con người, phản đối những hành vi xâm hại con người.

II. THIẾT BỊ DẠY HỌC VÀ HỌC LIỆU:

1. Chuẩn bị của GV:

* Thiết bị dạy học: Máy tính, máy chiếu.

* Học liệu: Sách giáo khoa, sách giáo viên, phiếu học tập, tư liệu báo chí, thông tin, clip, bài tập trên phần mềm Quizizz.

* Hình thức học tập: Trực tuyến trên phần mên Zoom, ID:8808587860; Pass: hy2021

2. Chuẩn bị của HS: Hoàn thành các nhiệm vụ đã được giao, tìm hiểu thông tin liên quan đến bài học.

III. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC:

A. Khởi động

a. Mục tiêu:

- Tạo được hứng thú với bài học.

- Học sinh hệ thống, khái quát kiến thức của tiết 1.

b. Nội dung: Giáo viên cho HS tham gia trò chơi Quizizz bằng các câu hỏi

trắc nghiệm.

c. Sản phẩm: Bảng kết quả của học sinh trên phần mềm Quizizz.

d. Tổ chức thực hiện:

Hoạt động của thầy, trò

Nội dung cần đạt

Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ học tập:

- GV giao nhiệm vụ cho HS qua đường link.

Câu 1: Hậu quả có thể xảy ra từ những tình huống nguy hiểm từ con người là:

A. Nguy hiểm, hủy hoại tài sản của cá nhân con người và xã hội.

B. Đạt được kết quả cao trong học tập.

C. Hoàn thành nhiệm vụ được giao.

D. Có nhiều tiến bộ trong học tập.

Câu 2: Đâu là tình huống nguy hiểm từ con người?

A. Trộm cắp, cướp giật, bắt nạt, xâm hại.

B. Giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn.

C. Chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng lũ.

D. Đưa người già qua đường.

Câu 3: Cần học tập theo hành vi nào dưới đây?

A.  Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật.

B. Đi xe đạp, lạng lách, đánh võng trên đường.

C. Phát hiện bom mìn chiến tranh không báo với cơ quan chức năng để xử lí.

D. Bắt cóc và buôn bán trẻ em.

Câu 4: Tình huống nào không phải là tình huống nguy hiểm từ con người?

A. Bắt nạt bạn cùng lớp.

B. Nô đùa, chạy nhảy ở cầu thang.

C. Đua xe trái phép.

D. Sóng thần, động đất.

Câu 5: Để phòng ngừa cháy, nổ, các chất độc hại trong nhà, mọi người cần phải làm gì?

A. Khóa ga sau khi nấu ăn.

B. Tắt hết các thiết bị điện trước khi ra khỏi nhà.

C. Không sử dụng các lọai thực phẩm nhiễm hóa chất để chế biến món ăn

D. Cả ba đáp án trên.

Câu 6: Khi gặp tình huống nguy hiểm thì mọi người cần làm gì?

A. Tìm cách ứng phó để thoát nguy hiểm.

B. Chấp nhận nguy hiểm.

C. Không cần làm gì, nguy hiểm sẽ qua.

D. Niệm thần chú.

Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ học tập

- HS lấy đường link, tham gia trò chơi.

Bước 3: Báo cáo kết quả

- Giáo viên: Quan sát, theo dõi quá trình học sinh thực hiện.

Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ

- GV nhận xét, đánh giá, khích lệ HS và dẫn dắt vào chủ đề bài học:

...

- Học sinh tham gia chơi tích cực.

 

B. Hoạt động khám phá.

 3. Ứng phó với tình huống nguy hiểm từ con người.

a. Mục tiêu:

- Nêu được cách ứng phó với một số tình huống nguy hiểm từ con người.

b. Nội dung:

- GV giao nhiệm vụ khám phá kiến thức bài học cho học sinh thông qua phiếu học tập số 1

c. Sản phẩm: Câu trả lời của học sinh.

d. Tổ chức:

Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ học tập:

- GV giao nhiệm vụ cho HS từ tiết trước thông qua hệ thống câu hỏi của phiếu học tập số 1 - Phụ lục 1(câu hỏi 1,2,3)

- Gv chia lớp thành 4 nhóm, yêu cầu học sinh thảo luận nhóm trên cơ sở phiếu học tập đã chuẩn bị để thống nhất câu trả lời.

Câu 1: An và Ninh đã gặp phải tình huống nguy hiểm gì?

Câu 2 Trước tình huống đó An và Ninh đã làm gì? Em hãy bày tỏ ý kiến của mình về cách giải quyết của hai bạn?

Câu 3: Em hãy nêu các bước ứng phó với tình huống nguy hiểm từ tình huống trên?

 

? Từ những thông tin tìm hiểu trên, em hãy nêu các bước ứng phó với tình huống nguy hiểm từ con người.

 

 

 

 

* Tích hợp ATGT

- Gv cho HS xem video.

1. Video đề cập đến những nguy hiểm nào từ con người?
2.
Em rút ra cho bản thân mình những kĩ năng nào khi tham gia giao thông.

 

Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ học tập

- Học sinh làm việc nhóm, cá nhân, suy nghĩ, trả lời.

- GV quan sát và hỗ trợ

Bước 3: Báo cáo kết quả và thảo luận

- Đại diện một nhóm trình bày, các nhóm khác nhận xét, bổ sung.

- Giáo viên: Quan sát, theo dõi quá trình học sinh thực hiện, gợi ý nếu cần

Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ

+ GV chiếu kết quả - Phụ lục 2, gọi nhận xét kết quả của nhóm bạn.

 - GV  đánh giá, chốt vấn đề: Cách ứng phó với nguy hiểm từ con người.

3. Ứng phó với tình huống nguy hiểm từ con người

- Các bước ứng phó với tình huống nguy hiểm đến từ con người

Bước 1: Nhận diện, đánh giá tình huống nguy hiểm

+ Nguy hiểm đến từ đối tượng nào?

+ Nguy cơ có thể gặp phải trong tình huống nguy hiểm là gì?

+ Điều gì sẽ xảy ra nếu không thoát khỏi tình huống nguy hiểm?

Bước 2: Tìm kiếm phương án thoát khỏi tình huống nguy hiểm

+ Hét to, kêu cứu, tìm sự hỗ trợ từ người lớn

+ Đánh lạc hướng đối phương

+ Gọi điện thoại cho người thân và các cơ quan hỗ trợ khẩn cấp ( 111, 113, 114, 115...).

+ Chạy đến chỗ đông người để thoát khỏi đối tượng gây nguy hiểm.

Bước 3: Lựa chọn và thực hiện phương án thoát khỏi tình huống nguy hiểm. Bình tĩnh đế có cách xử lí phù hợp trong từng tình huống nguy hiểm.

* Kĩ năng tham gia giao thông an toàn khi đi bộ.

- Khi đi qua ngã tư phải chú ý tín hiệu đền giao thông: đèn đỏ thì dừng lại, đèn xanh thì đi.

- Chỉ sang đường phần vạch kẻ ngang màu trắng dành cho người đi bộ.

- Khi sang đường phải quan sát hai bên.

- Không được vừa đi xe vừa nô nghịch, không chơi gần đường giao thông….

C.  Luyện tập

a. Mục tiêu:

- HS được luyện tập, củng cố kiến thức, kĩ năng đã được hình thành trong phần Khám phá.

b. Nội dung:

- Hướng dẫn học sinh làm bài tập 3; 4 trong sách giáo khoa thông qua hệ thống câu hỏi, phiếu bài tập.

c. Sản phẩm: Câu trả lời của học sinh.

d. Tổ chức thực hiện:

Hoạt động của thầy, trò

Nội dung cần đạt

Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ học tập:

- GV hướng dẫn và yêu cầu học sinh làm bài tập 3; 4 trong sách giáo khoa

Bài tập 3

Bố mẹ đi vắng, hai anh em Minh và Ngọc ở nhà học bài. Bỗng có tiếng chuông cửa, Ngọc chạy ra thì thấy một chú tự giới thiệu là nhân viên Công ty Điện lực, đề nghị vào nhà kiểm tra các thiết bị điện của gia đình. Ngọc định mở cửa cho chú thợ điện vào thì anh Minh liền lắc đầu từ chối và nói rằng khi bố mẹ về thì chú quay lại.

? Em hãy nhận diện mối nguy hiểm.

? Tìm phương án thoát khỏi mối nguy hiểm trong tình huống trên.

? Lựa chọn và thực hiện phương án thoát khỏi nguy hiểm.

Bài tập 4:

Chiến, học sinh lớp 6A hay bắt nạt các bạn yếu thế hơn mình, trong đó có Dương. Gần đây, Dương phải thức khuya hơn để vừa làm hết bài tập của mình, vừa chép bài tập về nhà vào vở cho Chiến. Trong các giờ kiểm tra, Dương phải tìm cách cho Chiến nhìn bài của mình. Cứ nghĩ đến sự đe dọa của Chiến, Dương cảm thấy sợ hãi và lo lắng.

a) Theo em, Dương có nên im lặng và làm theo yêu cầu của Chiến không? vì sao?

b) Nếu là Dương em sẽ xử lí tình huống này như thế nào?

? Qua tình huống trên, em hãy nêu cách ứng phó khi bị bạn bắt nạt?

Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ học tập

- HS hoạt động cá nhân.

- HS thực hiện làm bài .

Bước 3: Báo cáo kết quả.

- GV gọi HS trả lời.

- Nhận xét và bổ sung cho bạn (nếu cần).

Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ

- Nhận xét thái độ học tập và kết quả làm việc của HS.

- GV đưa ra các tiêu chí để đánh giá HS:

+ Kết quả làm việc của học sinh.

+ Thái độ, ý thức trong khi làm việc.

Gv sửa chữa, đánh giá, chốt kiến thức (Liên hệ hiện tượng bạo lực học đường).

Bài tập 3:

- Nhận diện mối nguy hiểm:

+ Đến từ người lạ.

+ Nguy cơ có thể gặp phải: Bị bắt cóc, bị xâm hại, nguy hiểm đến tính mạng, mất tài sản.

- Phương án thoát khỏi sự nguy hiểm:

+ Không mở cửa.

+ Hẹn chú quay lại khi bố mẹ về.

+ Gọi điện cho bố mẹ.

+ Gọi bác hàng xóm.

- Lựa chọn và thực hiện phương án thoát khỏi nguy hiểm:

Không mở cửa và gọi điện cho bố mẹ biết.

 

 

Bài tập 4:

a) Theo em, Dương không nên im lặng và làm theo yêu cầu của Chiến. Vì bạn Chiến có những hành động sai trái và sẽ cho mình cái quyền được bắt nạt Dương. Có thể hành vi của Chiến còn đi xa, nguy hiểm hơn nữa, cũng có thể con số bị bắt nạt không chỉ dừng ở một mình Dương.

b)  Nếu là Dương em sẽ báo cáo với cô giáo hoặc nói chuyện với bố mẹ để tìm ra hướng giải quyết.

* Chú ý

   Khi bị bạn bắt nạt:

- Bình tĩnh, không đôi co, quản lí cảm xúc của mình, tránh tỏ ra sợ hãi.

- Quan sát, tìm kiếm sự giúp đỡ, chạy nhanh thoát thân.

- Chia sẻ với cha mẹ, thầy cô không được im lặng chịu đựng.

- Rèn luyện thể lực, tự tin vào chính mình.

- Chơi cùng nhóm bạn tốt, tránh xa bạn xấu.

D. Vận dụng:

a. Mục tiêu:

- HS vận dụng những kiến thức đã học vào trong cuộc sống

- Hướng dẫn học sinh tìm tòi mở rộng sưu tầm thêm kiến thức liên quan đến nội dung bài học.

b. Nội dung: Giáo viên yêu cầu HS hoàn thiện bài 1 phần vận dụng, liên hệ thực tế.

c. Sản phẩm: Câu trả lời của học sinh.

d. Tổ chức thực hiện:

Hoạt động của thầy, trò

Nội dung cần đạt

Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ học tập:

- GV yêu cầu HS hoạt động cá nhân bài 1/37.

- GV cho bài tập liên hệ.

? Hãy kể một tình huống nguy hiểm mà em đã gặp phải hoặc em đã chứng kiến và nhớ lại cách ứng phó với tình huống đó.

? Gọi HS khác cho ý kiến

- Bài 2, 3 thực hiện ở nhà và báo cáo vào tiết học sau.

Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ học tập

HS suy nghĩ thực hiện nhiệm vụ và trả lời.

Bước 3: Báo cáo kết quả.

- Yêu cầu HS chia sẻ.

- Hướng dẫn HS cách trình bày (nếu cần).

- Chia sẻ các biện pháp ứng phó của mình khi xảy ra các tình huống nguy hiểm.

- Nhận xét, bổ sung cho bạn (nếu cần).

Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ

- Gv đánh giá, chốt kiến thức.

- GV cùng HS liên hệ các tình huống nguy hiểm khi đang trong thời điểm Covid, khi gần đến tết.

Bài 1:

- Chạy vào một nhà gần đó.

- Đánh vào chỗ hiểm của đối phương.

- Đập phá đồ đạc.

- Giẫy giụa mạnh.

Bài 2: HS liên hệ thực tế.

    

PHỤ LỤC:

PHỤ LỤC 1 - PHIẾU HỌC TẬP SỐ 1:

An và Ninh đã gặp phải tình huống nguy hiểm gì?

Trước tình huống đó An và Ninh đã làm gì? Em hãy bày tỏ ý kiến của mình về cách giải quyết của hai bạn?

Em hãy nêu các bước ứng phó với tình huống nguy hiểm từ tình huống trên?

 …………………………

………………………….

 

…………………………

………………………….

 

…………………………

………………………….

 

PHỤ LỤC 2 – KẾT QUẢ PHIẾU HỌC TẬP SỐ 1:

An và Ninh đã gặp phải tình huống nguy hiểm gì?

Trước tình huống đó An và Ninh đã làm gì? Em hãy bày tỏ ý kiến của mình về cách giải quyết của hai bạn?

Em hãy nêu các bước ứng phó với tình huống nguy hiểm từ tình huống trên?

An và Ninh phát hiện thấy một vật lạ giống quả mìn.

- An tò mò, đến gần, sờ tay vào, định lấy đá đập, khó chịu khi Ninh không cho mình động vào quả mìn.

- Ninh ngăn, kiên quyết không cho An đến gần, bảo đi báo các bác ở xã…

- Ninh đã có cách giải quyết thỏa đáng. Còn An chủ quan, vô trách nhiệm với bản thân mình

Bước 1: Ninh đã nhận diện, đánh giá được tình huống nguy hiểm.

Bước 2: Ninh tìm sự hỗ trợ từ người lớn.

Bước 3: Ninh đã bình tĩnh, lựa chọn, thực hiện phương án thoát khỏi tình huống nguy hiểm.

 

* Hướng dẫn về nhà:

- Học kĩ nội dung bài học mục 3/SGK, làm BT 1/SGK- 41.

- Tìm hiểu: Bài 8 - Ứng phó với tình huống nguy hiểm từ thiên nhiên.

- Hoàn thiện các phiếu học tập, nộp trên Zalo lớp.

Em quan sát được những hiện tượng nguy hiểm nào

Hiện tượng đó ảnh hưởng đến con người như thế nào?

Em hiểu thế nào là tình huống nguy hiểm từ thiên nhiên?

 …………………………

………………………….

 

…………………………

………………………….

 

…………………………

………………………….

           

                                                               Kết luận:

Bản thân đ/c Thuý đã áp dụng trò chơi Quizizz vào tiết dạy có hiệu quả, sử dụng trò chơi này vào bài học để học sinh ôn lại bài cũ và liên kết bài mới. Kiến thức bài học chính xác, phù hợp với đặc trưng bài học, giao nhiệm vụ học tập rõ ràng. học sinh hoạt động tích cực và có hiệu quả..

-Giáo viên áp dụng chuyên đề trò chơi Quizizz vào bài học với mục đích vừa ôn lại những kiến thức cũ, vừa liên kết giới thiệu được kiến thức mới vào bài học một cách tự nhiên và thú vị gây sự hứng thú tò mò cho học sinh khám phá nội dung bài học, học sinh hoạt động tích cực và có hiệu quả.

-Chuyên đề này có tính khả thi cao, nên được áp dụng vào trong quá trình giảng dạy các bộ môn ở tất cả các khối khi học trực tuyến.

 

Tác giả: Trường THCS Chính Nghĩa
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1
Hôm qua : 15
Tháng 01 : 170
Năm 2025 : 170