Trường TH&THCS Chính Nghĩa -Kim Động - Hưng Yên

Saturday, 20/04/2024 - 18:03|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường TH&THCS Chính Nghĩa

HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ : HỌC TẬP SUỐT ĐỜI NĂM 2018- TỰ HỌC LÀM GỐC

HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ :

HỌC TẬP SUỐT ĐỜI NĂM 2018- TỰ HỌC LÀM GỐC

Chính nghĩa 16/10/2018

Vừa qua ( 16/10/2018) tại trường THCS Chính Nghĩa đã diễn ra buổi lễ phát động: Học tập suốt đời- Tự học làm gốc cho toàn thể CBGV và HS trong toàn trường. Đây là dịp để cả thầy và trò nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập, lấy việc học là mục tiêu hàng đầu, phấn đấu:

  “ Học không biết chán, dạy không biết mỏi”.(Khổng Tử)

Cũng trong buổi phát động toàn trường đã được ôn lại về tấm gương học không ngừng nghỉ của Bác Hồ vĩ đại.

Tự học là hoạt động có mục đích của con người, là điều cần thiết trong quá trình tiếp nhận tri thức. Với chủ tịch HCM, tự học có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định tạo nên trí tuệ của Người

Hai mươi mốt tuổi với hai bàn tay trắng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành chỉ có một khát vọng cháy bỏng là ra đi tìm đường giải phóng dân tộc. Chính khát vọng đó đã hun đúc cho người thanh niên mảnh khảnh một sức mạnh phi thường, bền bỉ tự học, tự đào tạo để có đủ khả năng cứu nước, cứu dân. Đến đâu, Người cũng học, tìm mọi cách để học. Người tìm hiểu phong tục tập quán ở nơi mình đi qua để nâng cao tri thức; học nghề để kiếm sống, kiếm sống để hoạt động cách mạng. Bác đã học và làm rất nhiều nghề khác nhau, bắt đầu từ việc làm thợ đốt lò trên tàu viễn dương, làm đầu bếp ở Mỹ, quét tuyết ở Anh, bốc thuốc ở Thái Lan, viết báo, viết truyện, viết kịch, làm thợ chụp ảnh, thợ sửa đồng hồ… Làm rất nhiều việc, nhưng nhờ tự học mà Bác làm việc gì cũng giỏi. Khi danh hoạ người Pháp Picaso tới thăm Việt Nam, đã trao cho chúng ta những bản ký hoạ của Nguyễn Ái Quốc hồi còn ở Pari và nhận xét: "Chỉ mấy nét vẽ này thôi, ta đã thấy một tư tưởng lớn, một tâm hồn lớn tiềm ẩn bên trong, nếu tác giả tiếp tục con đường hội hoạ thì ắt sẽ trở thành một đại danh hoạ!".

Đặc biệt, Hồ Chủ tịch đã để lại cho chúng ta một sự nghiệp văn chương phong phú và vô giá, tiêu biểu là tập thơ "Nhật ký trong tù". Nhà Việt Nam học người Nga N.Phê đôrencô nhận xét: "Học chữ Hán cực khó, nắm vững nó, làm được thơ là một hiện tượng lạ, hiếm thấy… "Nhật ký trong tù" - một thi phẩm bằng chữ Hán có nội dung sâu sắc, ngôn từ, nhịp điệu phong cách rất riêng…". Chắc chắn, nếu Bác không có quá trình khổ luyện tự học thì sẽ không có điều đó.

Trên hành trình tìm đường cứu nước, Bác đã đi qua 28 nước, có nơi đến và ở trong thời gian rất ngắn. Nhưng đến đâu, Bác cũng tự học tiếng nói của nước đó. Bác biết đến 14 ngoại ngữ, trong đó sử dụng thành thạo 8 ngoại ngữ. Đấy là kết quả vượt bậc của một trí tuệ siêu phàm. Những bài báo viết bằng chữ Pháp của Nguyễn Ái Quốc khi ở Pháp trong thời gian 1920 - 1924, cho thấy hồi đó, với khả năng tự học, Người đã lĩnh hội được cả hệ thống tri thức đồ sộ của nhân loại và có sự nhạy cảm sắc sảo về nhãn quan chính trị.

Tự học của Bác Hồ có mục đích cuối cùng là làm cách mạng, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Người đã đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi bằng sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam. Vận dụng sáng tạo chính là quá trình tự thích nghi, tự tìm tòi thâm nhập thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, phát huy yếu tố chủ quan, yếu tố nội lực để vận dụng vào điều kiện của mình; sâu xa hơn đó là quá trình tự học, tự giáo dục để làm cho nhân cách và năng lực của mình phù hợp với mục tiêu, lý tưởng, công việc.

          Khi tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản tại Maxcơva vào tháng 8-1935, Bác đã khai rõ trong lý lịch:  Trình độ học vấn: Tự học. Còn trong tập "Nhật ký trong tù" của Bác có bài "Nghe tiếng giã gạo" hết sức độc đáo: "Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công". Đó chính là ý chí tự học, tự rèn, tự phấn đấu không mệt mỏi! Người dạy: "Không chỉ có ở nhà trường, có lên lớp mới học tập… Trong mọi hoạt động cách mạng, chúng ta đều phải học tập!". . Bác nói về mục đích của học tập: "Học để tiến bộ mãi, càng tiến bộ càng thấy cần phải học". Người cũng chỉ ra phương pháp học tập: "Học ở nhà trường, học ở thầy, học ở bạn, học trong sách vở và học nhân dân". Quá trình lao động, làm việc là quá trình tự học tập, tích luỹ, bổ sung kinh nghiệm và đúc rút kiến thức từ thực tiễn.  Người cũng phê phán nghiêm khắc tệ giấu dốt, lười biếng học tập, tự cho mình là giỏi nhất thiên hạ. “Cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết. Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam là một tấm gương sáng ngời về ý chí tự học tập, rèn luyện. Mỗi chúng ta cần ghi sâu những lời dạy của Bác  và quyết tâm tự học và rèn luyện để trở thành người công dân tốt có ích cho XH. Tấm gương tự học và những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề tự giáo dục mãi mãi toả sáng, soi rọi cho mỗi chúng ta phấn đấu, rèn luyện, nhất là đối với thế hệ trẻ.

"Đường đời là một chiếc thang không có nấc chót, học tập là một quyển vở không có trang cuối cùng”.

Tôi tin rằng sau buổi phát động sẽ khích lệ tinh thần ham học , tự học trong toàn trường, đặc biệt với các em HS tự học sẽ giúp các em chiếm lĩnh tri thức hiệu quả nhất. Chúc cho tinh thần tự học của thầy trò nhà trường luôn tỏa sáng, xứng đáng với truyền thống hiếu học của xã Chính Nghĩa.

Dưới đây là một số hình ảnh tiêu biểu:

 

Bài tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 8
Hôm qua : 20
Tháng 04 : 542
Năm 2024 : 5.745