CHĂM SÓC SỨC KHOẺ SINH SẢN VỊ THÀNH NIÊN VÀ TÁC HẠI CỦA VIỆC SỬ DỤNG THUỐC LÁ ĐIỆN TỬ
CHĂM SÓC SỨC KHOẺ SINH SẢN VỊ THÀNH NIÊN VÀ TÁC HẠI CỦA VIỆC SỬ DỤNG THUỐC LÁ ĐIỆN TỬ
Tuổi dậy thì (vị thành niên) là giai đoạn chuyển tiếp giữa tuổi thiếu nhi và tuổi trưởng thành. Chăm sóc, giáo dục sức khỏe sinh sản tuổi dậy thì đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tương lai sự nghiệp của mỗi người cũng như chất lượng dân số của toàn xã hội. Với ý nghĩa quan trọng như vậy sáng ngày 08 tháng 11 năm 2024 vừa qua, trung tâm y tế huyện Kim Động đã phối hợp cùng với cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh trường TH và THCS Chính Nghĩa tổ chức buổi tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên (SKSS VTN) và tác hại của thuốc lá điện tử tới HS nhà trường. Tại buổi tuyên truyền, cô Nguyễn Thị Hiền nhân viên Trung tâm y tế huyện Kim Động đã triển khai các nội dung về chăm sóc SKSS VTN và tác hại của thuốc lá điện tử.
Với chủ đề về chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên buổi tuyên truyền đã trang bị cho các em những hiểu biết cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên với các nội dung như:
1. Các dấu hiệu tuổi dậy thì.
2. Kiến thức về mang thai, nạo hút thai; Các biện pháp tránh thai ở tuổi vị thành niên;
3. Phòng, chống xâm hại tình dục
Cô Nguyễn Thị Hiền triển khai các nội dung về chăm sóc SKSS VTN
và ảnh hưởng của thuốc lá điện tử
Chăm sóc SKSS VTN là một trong những công tác quan trọng để duy trì và nâng cao chất lượng dân số, vì vậy công tác này được trung tâm y tế huyện Kim Động phối hợp thực hiện tại các trường THCS trong toàn huyện cũng đã được sớm thực hiện tại bậc THCS nhằm nâng cao sự hiểu biết của học sinh về bảo vệ, chăm sóc SKSS cho bản thân.
Ở một số nơi, việc học sinh mang thai ngoài ý muốn đã xảy ra và kéo theo những hệ lụy không nhỏ về sau nhất là vấn nạn nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên. Nguyên nhân bắt nguồn từ sự thiếu quan tâm, không có sự truyền thông giáo dục vì thói quen, tập quán ngại chia sẻ những kiến thức liên quan về giới, về SKSS. Sức khỏe sinh sản vị thành niên là một trong những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và tương lai của giống nòi.
Buổi tuyên truyền tại trường cho hơn 100 HS khối 8 và khối 9 tại trường TH&THCS Chính Nghĩa với nội dung truyền thông phong phú cùng với việc tổ chức cho HS tham gia trò chơi liên quan đến SKSS VTN đã giúp cho các bạn HS biết thêm nhiều kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho bản thân nhất là sức khỏe sinh sản tuổi dậy thì.
Hình ảnh HS tham gia trò chơi về SKSS VTN
HS lắng nghe về các nội dung tuyên truyền
Cùng với chủ đề tuyên truyền kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên cô Nguyễn Thị Hiền cũng đã triển khai tới HS về chủ đề tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử.
Hình ảnh về thực trạng HS sử dụng thuốc lá điện tử (ảnh minh hoạ)
Trong thời gian gần đây, tình trạng học sinh, sinh viên hút thuốc lá điện tử có chiều hướng gia tăng, thậm chí tình trạng này còn xảy ra đối với học sinh tiểu học và ở cả học sinh nữ. Đã có nhiều trường hợp học sinh bị ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử đến mức co giật, bị ảo giác phải nhập viện.
HS nhập viện cấp cứu sau khi hút thuốc lá điện tử (ảnh minh hoạ)
Việc sử dụng thuốc lá điện tử ở lứa tuổi HS sẽ dẫn đến tình trạng nghiện thuốc lá, tăng nguy cơ mắc các căn bệnh nguy hiểm, phát sinh tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập và tương lai sau này của các em. Thuốc lá điện tử có thành phần nicotine (chất gây nghiện) trong khói thuốc, những người nghiện thuốc lá điện tử thường có nguy cơ nghiện ma tuý và các chất gây nghiện khác. Khi hút thuốc lá điện tử học sinh có thể mắc phải một số bệnh lý đường hô hấp như viêm tiểu phế quản tắc nghẽn, bệnh viêm phổi lipid, tràn khí màng phổi nguyên phát, suy giảm chức năng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… do trong thuốc lá điện tử có rất nhiều hóa chất độc hại đối với sức khỏe con người. Ngoài ra, một số hóa chất độc hại như nicotine, carbon monoxide trong khói thuốc lá điện tử làm làm tăng nguy cơ rối loạn tim mạch, tăng nguy cơ hình thành huyết khối và xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ. Hiện nay, nhiều loại thuốc lá điện tử sử dụng các hương liệu tạo mùi thơm hấp dẫn (mùi bạc hà, cam, dâu tây, sô-cô-la, caramen…) nên nhiều học sinh bị ngộ độc khi sử dụng thuốc lá điện tử.
Sử dụng thuốc lá điện tử trong trường học là vi phạm nội quy, quy định của trường học, khi học sinh sử dụng thuốc lá điện tử sẽ ảnh hưởng đến kết quả rèn luyện của các em. Để phòng, chống tác hại thuốc lá điện tử trong học đường, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Buổi tuyên truyền cho học sinh biết về các tác hại của thuốc lá điện tử đã giáo dục các em ý thức tuân thủ pháp luật, nội quy của nhà trường về việc nghiêm cấm mua bán, sử dụng các sản phẩm thuốc lá đối với học sinh. Rèn luyện các kỹ năng tránh xa những chất độc hại, không có lợi cho sức khỏe; kỹ năng từ chối trước những cám dỗ…
Từ năm học 2022 – 2023 được sự chỉ đạo của Ban giám hiệu trường TH&THCS Chính Nghĩa, các thầy cô giáo đã lồng ghép, tích hợp nội dung về chăm sóc SKSS VTN và ảnh hưởng của thuốc lá điện tử trong từng tiết học, trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa, dàn dựng tiểu phẩm sinh hoạt dưới cờ hàng tuần, tổ chức hội thi để trang bị cho các em kỹ năng tự bảo vệ bản thân, tránh được những nguy cơ tiềm ẩn gây nên những hậu quả nghiêm trọng đáng tiếc xảy ra. Năm học 2022 – 2023 dự án “Nói không với thuốc lá điện tử” thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học hành vi của trường TH&THCS Chính Nghĩa được xếp giải tại Hội thi Nghiên cứu khoa học kĩ thuật huyện Kim Động và Giấy chứng nhận tại cuộc thi Thanh thiếu niên sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hưng Yên năm học 2023 – 2024.
Thực hiện tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và ảnh hưởng của thuốc lá điện tử là công tác quan trọng góp phần phòng tránh nhiều hệ lụy tiêu cực trong giới trẻ và là nền tảng nâng cao chất lượng dân số, gia đình về lâu dài cho đất nước. Gia đình, nhà trường và toàn xã hội cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục theo chuyên đề tại địa phương và các cơ sở giáo dục phổ thông.