Trường TH&THCS Chính Nghĩa -Kim Động - Hưng Yên

Sunday, 12/05/2024 - 01:08|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường TH&THCS Chính Nghĩa

Thực hiện Chương trình “01 triệu sáng kiến – nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”

 

Thực hiện Chương trình “01 triệu sáng kiến – nỗ lực vượt khó,

 sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”

 

Thực hiện Kế hoạch số 256/KH-LĐLĐ ngày 28/01/2022 của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Hưng Yên về tổ chức Chương trình01 triệu sáng kiến – nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” và chủ đề công tác năm 2022 “Chăm lo việc làm, đời sống người lao động; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam”;

Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động huyện xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình “01 triệu sáng kiến – nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” với những nội dung cụ thể như sau:

- Tuyên truyền, vận động đoàn viên công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CNVCLĐ) tập trung thể hiện tinh thần thi đua yêu nước trong giai đoạn hiện nay là đoàn kết, nỗ lực vượt khó, đổi mới, sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, hiệu suất công tác, phấn đấu hoàn thành xuất sắc và toàn diện các nhiệm vụ của Nghị quyết đại hội công đoàn các cấp.

- Xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 và chăm lo đời sống, ổn định việc làm cho đoàn viên, người lao động, góp phần phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình.

- Tổ chức Chương trình gắn phong trào thi đua yêu nước với việc học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Công đoàn trường TH&THCS Chính Nghĩa đã  phối hợp với BGH trường tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có thời gian, môi trường nghiên cứu, sáng tạo, điều kiện cơ sở vật chất thực hành, ứng dụng sáng kiến; có cơ chế khuyến khích tinh thần, khen thưởng vật chất tương xứng .Công đoàn trường cùng BGH đã  nghiên cứu, cụ thể hóa và lựa chọn các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ quan, đơn vị đồng thời đẩy mạnh việc phát hiện, tôn vinh, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích tham gia Chương trình. Công đoàn trường cụ thể hóa các tiêu chí, tiêu chuẩn và có hình thức khen thưởng, động viên kịp thời đối với tác giả sáng kiến.

Mặt khác CĐ trường kết hợp cùng BGH thường xuyên thông tin, tuyên truyền CBCNV thi đua viết sáng kiến.

Dưới đây là một trong số các sáng kiến tiêu biểu:

                        

 

PHẦN I. LÍ LỊCH

 

 

Họ tên: Nguyễn Thị Mai Hương

                      Chức vụ: Giáo viên tổ KHXH

      Đơn vị: Trường TH & THCS Chính Nghĩa

 

 

SÁNG KIẾN

"Dạy đọc - hiểu thơ trung đại  Việt Nam trong chương trình Ngữ Văn 7 theo định hướng phát triển năng lực”

 

                  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                            PHẦN II. NỘI DUNG

                                        A. MỞ ĐẦU

I. Đặt vấn đề

1. Thực trạng

Giáo dục thế hệ trẻ là nhiệm vụ mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều coi là chiến lược của dân tộc mình. Vì thế Đại hội lần thứ IX Đảng Cộng sản Việt Nam trong Nghị quyết ghi rõ “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, tương lai của một dân tộc, một quốc gia phải nhìn vào nền giáo dục của quốc gia đó.

Một trong những mục tiêu của chương trình Ngữ Văn THCS là phát triển năng lực cảm thụ văn học, rèn kĩ năng phân tích tác phẩm, nhằm bồi đắp, nâng cao nhu cầu và khả năng hưởng thụ thẩm mĩ cho học sinh. Thông qua các giờ đọc hiểu tác phẩm văn chương, giáo viên giúp các em cảm nhận được vẻ đẹp của ngôn ngữ văn học, biết rung động trước những hình tượng thiên nhiên, con người được khơi gợi trong tác phẩm, nhận ra được các giá trị thẩm mĩ được thể hiện trong tác phẩm, từ đó sẽ biết rung động trước cái đẹp, biết sống và hành động vì cái đẹp, biết đam mê và mơ ước cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Với tư cách là một môn học công cụ, môn Ngữ Văn THCS còn phải hướng tới mục tiêu hình thành cho học sinh phương pháp đọc - hiểu các kiểu loại văn bản theo đúng đặc trưng thi pháp thể loại.

Trong chương trình THCS, học sinh được tiếp cận với các văn bản thuộc nhiều thời kì văn học, thể loại văn học khác nhau trong đó thơ trữ tình trung đại Việt Nam chiếm một vị trí tương đối quan trọng. Đây là các tác phẩm được các nhà thơ Việt Nam sáng tác trong thời kì phong kiến từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX, là những tác phẩm có giá trị sâu sắc về nội dung và nghệ thuật. Tác giả của những bài thơ trung đại phần lớn là những thi nhân nổi tiếng, giàu tình yêu quê hương đất nước, tâm hồn nặng những suy nghĩ, trăn trở về nỗi đời, nỗi lòng nhân thế. Tuy nhiên đúng như Phan Trọng Luận đã có nhận xét về những tác phẩm của giai đoạn này: “Nội dung sáng tác xưa kia dù tiến bộ đến đâu vẫn cách xa chúng ta về thế giới quan, về lý tưởng thẩm mĩ, về cuộc sống...”. Vì thế, cả người giảng dạy và người học đều gặp khó khăn trong quá trình tìm hiểu tác phẩm, nhiều học sinh không hứng thú, không tích cực trong giờ học thơ trung đại.

Đó là lí do tôi lựa chọn sáng kiến:“Dạy đọc - hiểu thơ trung đại Việt Nam trong chương trình Ngữ Văn 7 theo định hướng phát triển năng lực” với mong muốn góp phần nâng cao hiệu quả dạy - học môn Ngữ Văn ở trường THCS.                                                    

2. Ý nghĩa và tác dụng

Nghiên cứu để nắm vững đặc trưng thi pháp của thơ trung đại Việt Nam từ đó có những phương pháp, biện pháp dạy học phù hợp vừa đảm bảo khai thác đầy đủ, sâu sắc về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm vừa phát huy được tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong việc tiếp nhận tác phẩm văn chương, giúp học sinh hiểu và có những rung cảm thực sự trước các tác phẩm thơ trung đại trong chương trình Ngữ Văn lớp 7

3. Phạm vi nghiên cứu của đề tài

Tôi  thực hiện tại trường THCS Chính Nghĩa và giảng thực nghiệm 2 lớp 7A, 7B trong 2 khóa học liền nhau.

II. Phương pháp tiến hành

1. Cơ sở lí luận

 Phương pháp tổ chức dạy học môn Ngữ Văn THCS là hết sức đa dạng, phong phú. Bởi lẽ, mỗi thể loại văn học đều có những đặc điểm thi pháp riêng, dấu hiệu, tính chất riêng biệt. Nó thể hiện ở cách thức tổ chức tác phẩm, đặc điểm các loại hiện tượng đời sống được miêu tả, mối quan hệ của nhà văn với hiện tượng đời sống đó và hình thức biểu hiện bằng ngôn từ nghệ thuật. Nếu dạy học tác phẩm văn chương mà xa rời đặc trưng thể loại thì thực chất là xa rời tác phẩm về cả linh hồn và thể xác. Vì thế khi dạy học tác phẩm văn chương giáo viên và học sinh nhất thiết phải nắm bắt được các vấn đề về thi pháp: kết cấu tác phẩm, nội dung được thể hiện trong tác phẩm và hình thức nghệ thuật của tác phẩm để lựa chọn những phương pháp dạy học phù hợp và đem lại hiệu quả cao nhất.

Dựa trên định hướng đổi mới cơ bản của chương trình Ngữ Văn THCS lấy quan điểm tích hợp làm nguyên tắc để lựa chọn các phương pháp giảng dạy, việc dạy - học thơ trữ tình trung đại cần phải đảm bảo tích hợp với nội dung, kiến thức, kỹ năng của phân môn Tiếng Việt và Tập làm văn, tích hợp các vấn đề có liên quan đến tác phẩm như hoàn cảnh sáng tác, hoàn cảnh xã hội, phong cách nghệ thuật của từng nhà văn và gắn với đời sống xã hội và tích hợp với kiến thức các bộ môn khác có liên quan.

Định hướng đổi mới trong dạy học Ngữ Văn là tổ chức các hoạt động học tập nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh và tiếp cận năng lực người học. Vì thế việc dạy học các tác phẩm thơ trữ tình trung đại cần phải có cách thức tổ chức, hướng dẫn học sinh, lựa chọn và kết hợp các phương pháp nhằm tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh trong quá trình khám phá, tìm tòi và cảm thụ tác phẩm.

2. Cơ sở thực tiễn

* Về phía giáo viên

Hầu hết giáo viên nắm vững phương pháp dạy học môn Ngữ Văn nói chung và phân môn Văn nói riêng, nắm được cơ sở định hướng đổi mới dạy học, chuẩn kiến thức kỹ năng môn học, dạy học dựa trên định hướng phát triển năng lực của người học, có quá trình nghiên cứu sâu trên nhiều khía cạnh khác nhau của bài giảng, có quá trình tích lũy tư liệu trong nhiều năm. Bên cạnh đó có một số giáo viên chưa thật quan tâm đến cải tiến phương pháp dạy học cho phù hợp với đối tượng và đặc trưng của phần Văn, nhất là trong việc dạy học các bài thơ trung đại. Nhiều giáo viên cảm thấy khó khăn khi giảng dạy các tác phẩm này, bởi có sự khác biệt về mặt chữ viết, hoàn cảnh xã hội và nội dung sáng tác.

Khi hướng dẫn HS phân tích tác phẩm thì quá thiên về nội dung biểu ý mà chưa chú ý đến nội dung biểu cảm, những rung cảm nghệ thuật trong tác phẩm.

          Một số giáo viên chưa có sự am hiểu sâu rộng về các lĩnh vực liên quan như lịch sử, triết học, văn hóa, không am hiểu về nho học, chữ Hán, chữ Nôm nên không thể hiểu hết giá trị sâu sắc của tác phẩm dẫn đến phân tích tác phẩm còn hời hợt bề ngoài hoặc sự liên hệ còn gượng ép.

* Về phía học sinh

Hiện nay, trong các nhà trường phổ thông, đa số học sinh không thực sự say mê, hứng thú khi học môn Ngữ Văn, đặc biệt là khi tìm hiểu các tác phẩm văn học trung đại học sinh càng tỏ ra chán nản, do đó chưa tích cực, chủ động và sáng tạo trong quá trình tìm tòi, khám phá, nắm bắt kiến thức về nội dung, nghệ thuật của các bài thơ trung đại.

Học sinh lớp 7 THCS chưa thực sự phát triển về trình độ tư duy, còn thất thường trong tâm lí, tính cách, thái độ học tập, khả năng phân tích, cảm thụ các tác phẩm thơ nói chung, thơ trung đại nói riêng còn  hạn chế, yếu trong việc phát hiện, nhận xét, đánh giá những thành công về nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

3. C¸c biÖn ph¸p tiÕn hµnh

 Qua quá trình giảng dạy tôi đã có những kế hoạch nghiên cứu thực tiễn như sau:

 Nghiên cứu các tài liệu phương pháp dạy học tích cực, kĩ thuật dạy học để phát huy năng lực của người học.

Thao giảng, dự giờ đồng nghiệp rồi rút kinh nghiệm qua từng tiết dạy.

Nghiên cứu các tài liệu tạo hứng thú cho việc dạy học Ngữ Văn, các phương pháp và kĩ thuật dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học, tài liệu tâm lí học.

Nghiên cứu SGK, SGV Ngữ Văn 7, phân tích bình giảng Ngữ Văn 7.

4. Thời gian tạo ra sáng kiến

Sáng kiến áp dụng trong 2 năm từ năm 2018 - 2020. Được rút kinh nghiệm bổ sung sau mỗi năm.

 

                                       B. NỘI DUNG

I. Mục tiêu

Nước Việt Nam đang thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Nhiệm vụ ngành giáo dục và đào tạo có trọng trách vô cùng to lớn là đào tạo thế hệ trẻ là những người có kiến thức, trình độ có đạo đức tốt để xây dựng phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Những năm gần đây để đẩy mạnh công tác đổi mới giáo dục, toàn ngành đã đưa yêu cầu đổi mới nhiều vấn đề: như đổi mới chương trình, đổi mới sách giáo khoa, đổi phương pháp dạy học, đổi mới soạn giảng, đổi mới kiểm tra đánh giáNhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới, đề tài đề cập việc vận dụng một số phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực nhằm nâng cao việc hiệu quả dạy các văn bản thuộc phần văn học trung đại. Nghiên cứu để nắm vững đặc trưng thi pháp của thơ trung đại Việt Nam từ đó có những phương pháp, biện pháp dạy học phù hợp vừa đảm bảo khai thác đầy đủ, sâu sắc về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm vừa phát huy được tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong việc tiếp nhận tác phẩm văn chương, giúp học sinh hiểu và có những rung cảm thực sự trước các tác phẩm thơ trung đại trong chương trình Ngữ Văn lớp 7.

II. Mô tả sáng kiến

1. Thuyết minh tính mới

  Trong nhà trường nhiều thầy cô đã thực hiện sáng tạo và đạt hiệu quả  cao khi thực hiện các tiết giảng dạy các văn bản thơ trung đại Việt Nam. Song thực tế vẫn còn những giờ học sinh chưa thực sự tích cực chủ động, sự phối hợp tương tác lẫn nhau cũng hạn chế và hiệu quả tiếp thu sau mỗi tiết thuộc phần văn học trung đại là chưa cao. Từ thực tế giảng dạy các tác phẩm thơ trữ tình trung đại đối với học sinh lớp 7 tôi nhận thấy khi dạy học cần phải chú ý tới một số vấn đề như sau:

1.1 Hệ thống tác phẩm thơ trung đại Việt Nam trong chương trình Ngữ Văn 7

STT

Tác phẩm

Tác giả

Thể loại

1

Sông núi nước Nam

Lý Thường Kiệt

Thất ngôn tứ tuyệt

2

Phò giá về kinh

 

Trần Quang Khải

Ngũ ngôn tứ tuyệt

3

Côn sơn ca

Nguyễn Trãi

Lục bát

4

Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra

Trần Nhân Tông

Thất ngôn tứ tuyệt

5

Sau phút chia li

Đặng Trần Côn (Đoàn Thị Điểm dịch)

Song thất lục bát

6

Bánh trôi nước

Hồ Xuân Hương

Thất ngôn tứ tuyệt

7

Qua đèo Ngang

Bà Huyện Thanh Quan

Thất ngôn bát cú đường luật

8

Bạn đến chơi nhà

Nguyễn Khuyến

Thất ngôn bát cú Đường luật

 

1.2. Dạy học tác phẩm thơ trung đại phải phù hợp với đặc trưng của biểu cảm trung đại

Khi dạy học các tác phẩm thơ trữ tình trung đại Việt Nam, trước hết giáo viên phải tìm hiểu và nắm vững các đặc điểm thi pháp của loại hình tác phẩm này để có hướng khai thác phù hợp đồng thời giúp cho học sinh nắm vững những đặc điểm đó để có cách tiếp cận đơn giản và hiệu quả nhất.

* Các tác phẩm thơ trữ tình trung đại Việt Nam mang những đặc trưng thẩm mĩ của văn biểu cảm nghệ thuật và của thơ cổ điển Trung Hoa. Thơ trữ tình trung đại được ra đời trong bối cảnh xã hội phong kiến vì thế các tác phẩm đều phản ánh thực tế lịch sử xã hội phong kiến từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX. Chủ đề xuyên suốt của thơ trung đại Việt Nam là cảm hứng yêu nước và cảm hứng nhân đạo. Cảm hứng yêu nước được thể hiện rất rõ nét trong hai tác phẩm: “Sông núi nước Nam” và “Phò giá về kinh”. Nội dung nhân đạo được biểu hiện phong phú: đề cao đạo lí làm người, thái độ đối xử tốt giữa con người với con người, đề cao quyền sống của con người và khát vọng hạnh phúc. Nó còn là tấm lòng cảm thương cho mọi kiếp người đau khổ, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ. Tuy nhiên cảm xúc trong thơ trung đại thường được thể hiện rất kín đáo và sâu sắc. Các nhà thơ thường mượn cảnh, mượn việc để gửi gắm tâm sự, bày tỏ nỗi lòng. Từ đó thường xuất hiện trong các bài thơ trung đại hai tầng ý nghĩa: nghĩa bề mặt và nghĩa hàm ẩn, tương ứng với nó là bức tranh cảnh và bức tranh tâm trạng, trong đó tâm trạng con người là mục đích chính. Đặc điểm này cho thấy mục tiêu của bài học thơ trung đại cần được xác định ở cả hai phía: nội dung phản ánh (miêu tả, tự sự) và nội dung biểu hiện (biểu cảm). Có cảnh đèo Ngang tiêu sơ trong thơ nhưng là hình ảnh tiêu sơ nhuốm màu tâm trạng nhớ nước thương nhà của một con người cô đơn, nặng lòng hoài cổ. Có chuyện vui về gà, về cá, về trầu trong buổi đón bạn đến chơi nhà nhưng từ đó là tình cảm chân thành, ấm áp trong sáng của tình bạn nơi con người. Biểu cảm của con người trong thơ trung đại mang tâm sự của chính tác giả.

* Thơ trung đại Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa và văn học Hán thể hiện ở: viết bằng chữ Hán, sáng tác theo các thể tài của văn học Hán, thi liệu cũng lấy ở sách vở Trung Hoa. Nhưng điều đáng lưu ý là cha ông ta đã có cố gắng lớn để dân tộc hóa hình thức văn học, sáng tạo ra chữ Nôm, đưa cảnh sắc và cuộc sống Việt Nam vào thơ, đưa không khí bình dị, trần tục vào thơ Đường.

* Về thể thơ: thơ trung đại thường sử dụng các thể thơ Đường luật như: thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, song thất lục bát trong đó định rõ luật về câu, chữ, thanh, nhịp, vần, đối, gọi chung là thơ cách luật. Mỗi thể thơ lại tuân theo những quy định bắt buộc và có những đặc điểm riêng biệt. Do đó khi phân tích tìm hiểu một tác phẩm phải chú ý đến các đặc điểm của thể loại  thể hiện trong nội dung, nghệ thuật của mỗi bài.

Vậy nên hoạt động dạy học sẽ được tiến hành trên các dấu hiệu hình thức nổi bật của các thể thơ trong mỗi tác phẩm.

* Ngôn từ trong các bài thơ trung đại hàm súc và gợi cảm nên yêu cầu phát hiện và phân tích chi tiết ngôn từ có giá trị biểu cảm cao trong tác phẩm là một đòi hỏi của đọc hiểu. Chẳng hạn những ân tình, gần gũi, trân trọng quan hệ bằng hữu được thể hiện trong tiếng gọi “bác” giản dị (Đã bấy lâu nay bác tới nhà) và đọc câu thơ “Bác đến chơi đây ta với ta” chúng ta nhận ra được quan hệ tình bạn ở đây gắn bó hòa hợp đến độ khó có thể tách rời.

* Phép đối là yêu cầu quan trọng trong cách tổ chức các lời thơ của văn bản trữ tình trung đại. Trong hình thức đối xứng của thể thất ngôn bát cú, các ý đối của 2 vế trong dòng lời bổ sung nhau, đồng thời tạo ra nhạc điệu trầm bổng và cân đối của lời thơ. Điển hình là cặp câu luận trong bài thơ “Qua đèo Ngang”, trong đó nội dung cảm xúc của câu trên “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc” đối xứng với nội dung cảm xúc câu dưới “Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”; hệ thống thanh điệu câu trên (TT/BB/BTT) ngược lại với hệ thống thanh điệu câu dưới (BB/TT/TBB). Đối ý trong câu gọi là tiểu đối. Dạy đọc hiểu văn bản thơ trung đại là phát hiện đúng và phân tích chính xác giá trị phản ánh và biểu cảm của các hình thức đối trong thơ trữ tình.

* Lời văn biểu cảm trong các bài thơ trung đại thường được tổ chức theo bố cục cứng như đề - thực - luận - kết ( thể thất ngôn bát cú) hay khai - thừa - chuyển - hợp ( thất ngôn tứ tuyệt ), mỗi phần có nhiệm vụ cụ thể trong thể hiện nội dung phản ánh và biểu cảm trong bài thơ. Các quy định nghiêm ngặt đó thuộc về các bài thơ mang phong cách cổ điển. Trong trường hợp này hoạt động đọc - hiểu có thể được tiến hành theo từng phần của bố cục đã phân định sẵn chẳng hạn khi dạy học bài thơ thất ngôn bát cú “Qua đèo Ngang”. Nhưng trong trường hợp khác, khi thể thơ này đã được “mềm hóa” nhờ sự coi trọng hàng đầu cảm xúc của các nhà thơ Việt Nam, thì đọc - hiểu văn bản nên đi theo diễn biến tự nhiên quá trình diễn biến cảm xúc của nhân vật trữ tình. Chẳng hạn khi dạy học bài “Bạn đến chơi nhà” có thể dạy như sau: Mở đầu là cảm xúc khi bạn đến chơi (câu 1); tiếp đó là cảm xúc về gia cảnh (câu 2,3,4,5,6,7); cuối cùng là cảm xúc về tình bạn (câu 8).

* Nhưng nếu xuất phát từ đặc điểm “thi trung hữu họa” và “tả cảnh ngụ tình” trong thi pháp thơ trung đại, thì định hướng hoạt động đọc - hiểu văn bản sẽ đi theo nội dung cảnh và tình được phản ánh và biểu hiện trong mỗi tác phẩm. Các văn bản “Bài ca Côn Sơn”, “Qua đèo Ngang” đều có thể được đọc - hiểu theo hướng này. Trong trường hợp mượn sự việc để bày tỏ cảm nghĩ thì nội dung đọc - hiểu sẽ là cảm nhận được tình cảm, tư tưởng của tác giả qua sự việc được nói tới, chẳng hạn như trong bài “Phò giá về kinh” (Trần Quang Khải)

* Thơ trữ tình trung đại là tác phẩm của những nhà thơ nổi tiếng thời kì này đạt đến độ hoàn thiện về hình thức nên chúng là mẫu mực của văn biểu cảm nghệ thuật. Vì vậy bám sát các dấu hiệu cách thức biểu đạt trong văn bản này là yêu cầu bắt buộc trong dạy học. Dạy học thơ trung đại Việt Nam phải dựa vào các dấu hiệu hình thức đặc trưng của thơ cổ điển, dựa theo kết cấu riêng của thể thơ để phân tích từng câu hay từng cặp câu theo chức năng đã được quy ước, bám vào ngôn từ và các phép tu từ nghệ thuật, hình dung ra cảnh, việc được phản ánh trong bài thơ, từ đó cảm nhận nỗi lòng thầm kín của tác giả được gửi gắm trong bài thơ.

1.3. Dạy học tác phẩm thơ trung đại phải đáp ứng yêu cầu dạy học tích hợp

Dạy học thơ trung đại Việt Nam cần chú ý tích hợp với các kiến thức có liên quan thuộc các phân môn Tiếng Việt, Tập làm văn trong việc phân tích, cắt nghĩa, thấy được cái hay cái đẹp trong việc sử dụng từ ngữ, các biện pháp tu từ nghệ thuật và trong việc tìm hiểu sự kết hợp các phương thức biểu đạt trong một tác phẩm thơ.

Cần tích hợp với các kiến thức Tập làm văn biểu cảm lớp 7 vận dụng tập trung ở hai hoạt động tìm hiểu cấu trúc văn bản và đánh giá ý nghĩa văn bản.

Ví dụ: Dạy đọc - hiểu bài thơ “Bạn đến chơi nhà” có thể sử dụng những câu hỏi sau cho hoạt động luyện tập và hoạt động vận dụng:

1. Qua bài thơ này, em biết gì về tài thơ của Nguyễn Khuyến và rút ra được bài học gì khi làm văn biểu cảm?

2. Hãy viết một đoạn văn biểu cảm về tình bạn?

3. Qua bài thơ, em thấy có mấy cách biểu cảm? Là những cách nào?

 Nội dung biểu cảm trong phần lớn các bài thơ trung đại là cảm xúc của chính tác giả. Thơ trung đại là chân dung tinh thần của nhà thơ, từ đó là nếp sống đạo đức và khát vọng nhân văn cao đẹp của một lớp người hấp thu được những tinh hoa của Nho học trong thời đại phong kiến và tâm hồn họ, số phận họ gắn liền với những thăng trầm của thời đại này. Do vậy sẽ có hiệu quả hơn nếu đọc hiểu các văn bản thơ từ đặc điểm tiểu sử tác giả và hoàn cảnh nảy sinh tác phẩm. Số phận của nữ sĩ Hồ Xuân Hương ảnh hưởng như thế nào đến nội dung biểu cảm trong bài thơ “Bánh trôi nước”, hoàn cảnh bản thân của Bà huyện Thanh Quan và đặc điểm lịch sử của thời đại có ảnh hưởng như thế nào đến tâm trạng con người trong bài thơ “Qua đèo Ngang”, hoàn cảnh lịch sử nào của dân tộc tạo cảm hứng anh hùng trong bài “Sông núi nước Nam”, “Phò giá về kinh”. Cuộc đời và tính cách con người Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến in dấu trên những trang thơ của họ như thế nào... Những tri thức đó nếu được tích hợp trong bài học sẽ tạo điều kiện cho người học đọc văn bản từ kiến thức ngoài văn bản để có được cách hiểu đúng đắn, sâu sắc hơn về văn bản, về người sáng tạo văn bản, thậm chí về xã hội, thời đại được phản ánh trong văn bản.

  Đồng thời để việc tiếp nhận các văn bản thơ trung đại ra đời từ cách đây vài thế kỉ trở nên dễ dàng hơn đối với người đọc, giáo viên cũng cần tích hợp một cách hợp lí các kiến thức về lịch sử như: thời đại, sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử và các kiến thức về địa lí.

Ví dụ: Dạy học bài “Sông núi nước Nam”  và ‘Phò giá về kinh”, phải chú ý các kiến thức lịch sử về thời đại Lí, Trần, về cuộc kháng chiến chống Tống, chống quân Nguyên Mông, về nhân vật lịch sử Trần Quang Khải. Dạy bài “Bài ca Côn Sơn”,  “Qua đèo Ngang” phải tích hợp các kiến thức địa lí về các địa danh được nói đến trong bài thơ. Đó là Côn Sơn, là Đèo Ngang.

  Dạy học thơ trung đại Việt Nam cũng cần kết hợp đọc hiểu văn bản ở cả dạng phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ. Điều này cần tích hợp với kiến thức về từ Hán Việt ở lớp 6 và lớp 7. Với thơ chữ Hán, phiên âm chưa phải là nguyên bản nhưng là dạng gốc của văn bản, bản dịch thơ đôi khi chưa lột tả hết được cái hay, cái đặc sắc của văn bản gốc, do đó khi đọc - hiểu cần có sự đối chiếu, so sánh giữa bản phiên âm và bản dịch thơ nhưng vẫn không quá sức với khả năng cảm thụ của học sinh lớp 7 THCS.

  Đồng thời cần chú ý tích hợp với các môn khoa học khác như âm nhạc, hội hoạ, giáo dục công dân...và cần có ý thức gắn tác phẩm với đời sống, đưa tác phẩm vào đời sống để học sinh thấy hết giá trị của tác phẩm, cảm thấy gần gũi với tác phẩm và bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm tích cực, hình thành những phẩm chất cho học sinh theo định hướng năng lực người học.

Ví dụ: Dạy bài “Sông núi nước Nam”, “Phò giá về kinh” giáo viên có thể đưa câu hỏi để HS liên hệ:

1. Em có suy nghĩ gì về lòng yêu nước được thể hiện trong hai bài thơ? Trong thời đại hiện nay, theo em lòng yêu nước cần được biểu hiện như thế nào?

2. Em sẽ làm gì để thể hiện lòng yêu nước của mình?

3. Vẽ một bức tranh về cảnh làng quê, thôn xóm yên bình.

Hay khi học bài “Bánh trôi nước”, GV có thể đưa câu hỏi liên hệ:

Qua bài thơ, em có suy nghĩ gì về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa? Bằng hiểu biết thực tế của bản thân, em nhận thấy trong thời đại hiện nay, vị trí, số phận của người phụ nữ đã thay đổi như thế nào?

Tóm lại, khi dạy - học thơ trung đại cần gắn kết giữa đọc - hiểu văn bản với các tri thức văn biểu cảm đang được học ở chương trình Ngữ văn 7; với tri thức về thể loại thơ trữ tình cổ điển; với hoàn cảnh sáng tác; kết hợp tìm hiểu ở cả ba dạng phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ; gắn với thực tế đời sống để học sinh vận dụng kiến thức.

1.4. Dạy học tác phẩm thơ trung đại phải đáp ứng yêu cầu dạy học tích cực

Trong quá trình dạy - học tác phẩm thơ trung đại, học sinh phải là chủ thể của hoạt động học, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh phải tự mình khám phá chiếm lĩnh kiến thức, cảm thụ tác phẩm và hình thành những năng lực, phẩm chất phù hợp với nội dung từng bài học. Giáo viên giữ vai trò tổ chức, hướng dẫn học sinh tìm hiểu tác phẩm, cần khuyến khích, động viên các em có những cách tìm tòi, phát hiện mới, mạnh dạn đưa ra các ý kiến chủ quan và cảm nhận riêng của cá nhân về nội dung, nghệ thuật, các vấn đề liên quan đến tác phẩm. Để học sinh thực sự hứng thú và nắm được bài học một cách đầy đủ sâu sắc, giáo viên cần tổ chức các hoạt động dạy học một cách đa dạng, linh hoạt, lựa chọn các phương pháp dạy học phù hợp. Tôi đưa ra một số phương pháp và ví dụ cụ thể sau:

a. Trong khâu chuẩn bị trước khi lên lớp ( Vận dụng kĩ thuật dạy học theo dự án)

  Đối với giáo viên: cần tìm hiểu bài kĩ lưỡng, nhuần nhuyễn, tìm hiểu tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm để hiểu được thấu đáo nội dung tư tưởng của tác phẩm. Hướng dẫn học sinh soạn bài kĩ ở nhà bằng hệ thống câu hỏi phần đọc - hiểu trong sách giáo khoa hoặc qua hình thức các phiếu học tập, kiểm tra phần chuẩn bị bài của học sinh.

   Đối với học sinh: cần đọc tác phẩm, soạn bài chu đáo bằng cách trả lời hệ thống câu hỏi trong sách giáo khoa với sự hướng dẫn của giáo viên; hoàn thiện các phiếu học tập theo hình thức dạy học theo dự án. Với học sinh học tốt, cần đọc thêm tư liệu để bước đầu hiểu được tác phẩm, sưu tầm các câu thơ, bài thơ có nét tương đồng với tác phẩm sắp học hay các nhận định về tác phẩm của các nhà phê bình văn học.

    Giáo viên và học sinh đều cần chủ động, tích cực trong việc sưu tầm các tư liệu có liên quan đến nội dung bài học như tranh ảnh, các đoạn phim tư liệu, các khúc nhạc, bài hát thông qua các phương tiện báo chí, sách vở, qua mạng In-tơ-nét.

     Qua bước dạy học này sẽ hình thành được ở học sinh năng lực đọc hiểu, năng lực công nghệ thông tin; phẩm chất trung thực, chăm chỉ, yêu nước.

b. Trong việc tổ chức các hoạt động trên lớp

b1. Hoạt động khởi động:  tạo không khí phù hợp với bài học, tạo tâm thế để học sinh bước vào bài học một cách hứng khởi. Giáo viên có thể sử dụng phương pháp trực quan với giai điệu của một bản nhạc, một ca khúc, một  bức  tranh, một mẩu chuyện hoặc một đoạn phim tư liệu mang nội dung tư tưởng liên quan hoặc tương đồng với tác phẩm chuẩn bị học để dẫn dắt học sinh vào bài mới.

Ví dụ:

Dạy bài “Sông núi nước Nam”, “Phò giá về kinh”, giáo viên có thể sử dụng tranh lịch sử về các sự kiện kháng chiến chống quân Tống, các trận đánh Chương Dương, Hàm Tử trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông để hỏi về sự am hiểu của học sinh kết hợp lời giới thiệu dẫn  dắt học sinh vào bài mới.

  Dạy bài “Bánh trôi nước”, giáo viên có thể kể tên một số tác phẩm văn học trung đại nổi tiếng viết về người phụ nữ kết hợp cho học sinh quan sát một số bức tranh minh họa của mỗi  tác phẩm để giới thiệu bài.

 Dạy bài thơ “Qua đèo Ngang”, giáo viên giới thiệu một số hình ảnh hoặc một đoạn phim tư liệu về địa danh đèo Ngang để dẫn dắt vào bài mới.

b2. Hoạt động hình thành kiến thức mới

* Trong khâu tìm hiểu chung về tác phẩm: Giáo viên có thể sử dụng các tranh vẽ chân dung các tác giả, các đoạn phim tư liệu dựng lại hình tượng các nhân vật lịch sử cho học sinh quan sát,  giới thiệu các tư liệu về tác giả, tác phẩm, những nhận định của các nhà phê bình, nghiên cứu văn học về các tác giả, tác phẩm để học sinh có những hiểu biết cơ bản về tác giả, hoàn cảnh sáng tác tác phẩm, vị trí của các nhà thơ và các tác phẩm thơ trung đại trong nền văn học Việt Nam, tạo điều kiện để học sinh tiếp nhận văn bản một cách toàn diện, sâu sắc hơn.

Ví dụ:

Dạy bài “Bánh trôi nước”, giáo viên cho HS xem một đoạn phim tư liệu xây dựng lại hình tượng nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương kết hợp giới thiệu những nét chính về cuộc đời, số phận, tài năng, phong cách của nhà thơ, những nhận định của những nhà nghiên cứu nổi tiếng về nhà thơ.

Dạy bài “Bạn đến chơi nhà”, giáo viên cho học sinh xem đoạn phim tư liệu xây dựng lại hình tượng nhà thơ Nguyễn Khuyến, xem tranh chân dung Nguyễn Khuyến, tranh ảnh về quê hương nhà thơ kết hợp giới thiệu về thời đại tác giả sống, cuộc đời, phẩm chất đạo đức, tài năng của ông để học sinh nắm được những nét cơ bản về tác giả, hoàn cảnh sáng tác bài thơ trước khi tìm hiểu bài thơ.

Khi hướng dẫn học sinh tìm hiểu về thể thơ của mỗi bài thơ, giáo viên cần chú ý cung cấp cho học sinh những đặc điểm cơ bản của thể thơ đó đồng thời làm rõ những sáng tạo của các nhà thơ trong các tác phẩm.

* Trong khâu đọc văn bản: Mỗi bài thơ trung đại là một cấu trúc âm vang phản ánh những rung động khác thường của tâm hồn tác giả. Do đó tăng cường đọc diễn cảm là biện pháp tích cực trong dạy - học văn bản thơ trung đại. Đọc diễn cảm thể hiện được cảm xúc, giọng điệu của nhân vật, của tác giả sẽ một phần nào làm sáng rõ được ý nghĩa của tác phẩm, tạo nên những rung động sâu sắc cho học sinh. Với tác phẩm viết bằng chữ Hán, phải hướng dẫn HS đọc diễn cảm cả phần phiên âm và dịch thơ của bài thơ. Hoạt động đọc cần được thực hiện một cách linh hoạt trong cả giờ học để phát huy hiệu quả cao nhất.

Ví dụ: Dạy học bài thơ “Sông núi nước Nam”, có thể sử dụng phương pháp đọc diễn cảm như sau:

1. Đọc diễn cảm đầu giờ: Hướng dẫn đọc diễn cảm bài thơ: Bài thơ này thiên về tỏ ý, tỏ lòng, thiên về miêu tả thái độ, ý chí của cộng đồng dân tộc, bởi vậy cần phải đọc với giọng mạnh mẽ, dứt khoát, chú ý ngắt nhịp 4/3, nhấn mạnh cuối mỗi nhịp

2. Đọc diễn cảm cuối giờ

Cho học sinh đọc diễn cảm hoặc ngâm bài thơ trước khi đánh giá về ý nghĩa của bài thơ, củng cố kiến thức bài học.

* Trong khâu phân tích văn bản: Giáo viên cần lựa chọn một số phương pháp dạy học tích cực phù hợp, kết hợp linh hoạt các phương pháp dạy học để dẫn dắt học sinh tìm hiểu, chiếm lĩnh tác phẩm đồng thời phát huy tính chủ động, tích cực sáng tạo của học sinh và hình thành những phẩm chất theo định hướng phát triển năng lực người học. Trong phần này, tôi đưa ra một số phương pháp sau:

 Phương pháp vấn đáp: Tổ chức dạy học bằng đàm thoại giáo viên - học sinh xoay quanh hệ thống câu hỏi gợi mở dưới hình thức cá nhân hoặc thảo luận cặp đôi thì phân tích cảm thụ tác phẩm thơ trữ tình trung đại sẽ có hiệu quả tích cực trong việc phát huy tính chủ động, sáng tạo, phát triển năng lực tiếp nhận văn bản, năng lực cảm thụ thẩm mĩ của học sinh. Tuy nhiên, việc áp dụng phương pháp gợi mở vào quá trình dạy học chỉ có hiệu quả khi hệ thống câu hỏi được xây dựng bám sát vào các dấu hiệu hình thức đặc trưng của từng tác phẩm, vào đặc trưng thể loại, vào ngôn từ hàm súc, biểu cảm, mang tính ước lệ tượng trưng, vào bố cục của văn bản, hình tượng nhân vật hay những tri thức lịch sử văn hóa liên quan đến văn bản.

Các câu hỏi đàm thoại phải rõ ràng, phải có màu sắc văn học, có khả năng khơi gợi tình cảm, cảm xúc thẩm mĩ cho học sinh.

- Câu hỏi phải vừa sức học sinh, thích hợp với khuôn khổ một giờ học trên lớp, vừa phải đảm báo bảo tính chất gợi mở dần dần để giúp học sinh tìm hiểu từng yếu tố, từng chi tiết, lí giải được từng phần, từng vấn đề, từ đó cảm thụ tổng thể văn bản. Giáo viên phải hướng dẫn học sinh đi từ cụ thể đến khái quát, từ hình thức đến nội dung, từ quan sát, phân tích đến những khái quát mang tính chất trừu tượng cao hơn.

- Cần có sự kết hợp cân đối giữa các loại câu hỏi cụ thể và loại câu hỏi tổng hợp. Cần kết hợp giữa câu hỏi tái hiện trong phát hiện chi tiết với câu hỏi gợi mở ở mức độ cao hơn là tạo tình huống có vấn đề, đặt học sinh vào tình huống mâu thuẫn trong nhận thức phải vượt qua trở ngại để tìm tòi cách thức giải quyết, từ đó tiếp nhận tri thức, rèn luyện kỹ năng, bồi dưỡng nhân cách.

- Khi thiết kế hệ thống câu hỏi, giáo viên cần tham khảo các câu hỏi gợi ý trong sách giáo khoa, sách giáo viên đồng thời xây dựng hệ thống câu hỏi riêng của mình.

- Cố gắng sử dụng nhiều hình thức diễn đạt khác nhau để hỏi về cùng một nội dung; chú ý đón bắt, khơi gợi những ý tưởng mới mẻ của học sinh, từ thực tế trả lời của các em, điều chỉnh lại cách hỏi cho phù hợp.

Tuy nhiên việc áp dụng phương pháp này trong dạy học thơ trung đại Việt Nam phải tùy trường hợp, tính chất của loại văn bản, đối tượng học sinh và mục đích giờ học để sáng tạo linh hoạt, tránh gây khó khăn, gây tâm lí nặng nề cho học sinh

          Ví dụ: Hệ thống câu hỏi sử dụng để phân tích bài thơ “Bánh trôi nước”

1. Dựa vào sách giáo khoa và các tư liệu sưu tầm được, trình bày đôi nét về nhà thơ Hồ Xuân Hương? (Học sinh lên thuyết trình trên cơ sở giáo viên yêu cầu học sinh đã chuẩn bị ở nhà theo sự phân công của nhóm)

2. Bài thơ được viết theo thể thơ gì? Tại sao em biết?

3. Hình ảnh bánh trôi nước được miêu tả qua những chi tiết, lời thơ nào?

4. Em có nhận xét gì về nghệ thuật miêu tả  của nhà thơ?

5. Em cảm nhận như thế nào về hình ảnh chiếc bánh trôi qua sự miêu tả của nhà thơ?

6. Có ý kiến cho rằng bài thơ không chỉ tả thực hình ảnh chiếc bánh trôi mà còn gợi liên tưởng tới hình ảnh con người? Ý kiến của em?

7. Em có nhận xét gì về việc sử dụng cụm từ “thân em” trong bài thơ?

8. Câu thơ “Thân em vừa trắng lại vừa tròn” gợi em liên tưởng đến vẻ đẹp nào của người phụ nữ?

9. Em có nhận xét gì về cách sử dụng từ ngữ của tác giả trong hai câu thơ: “ Thân em vừa trắng lại vừa tròn. Bảy nổi ba chìm với nước non”?

10. Qua 2 câu thơ đó, em cảm nhận như thế nào về thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa?

11. Cấu trúc của câu thơ thứ ba và câu thơ thứ tư có điểm gì đặc biệt?

12. Em có nhận xét gì về cách sử dụng từ ngữ và giọng điệu của câu thơ thứ tư? Câu thơ này thể hiện vẻ đẹp nào của người phụ nữ?

13. Cảm nhận của em về hình ảnh người phụ nữ được thể hiện trong bài thơ?

14. Khi mượn hình ảnh bánh trôi nước để bộc lộ thân phận, vẻ đẹp của người phụ nữ, nhà thơ đã bộc lộ cảm xúc gì?

15. Khái quát những nét đặc sắc nghệ thuật và ý nghĩa của bài thơ? Em học tập được điều gì từ bài thơ trong việc viết văn miêu tả?

16. Chỉ ra điểm khác nhau giữa nội dung và nghệ thuật của bài thơ với một số bài  ca dao bắt đầu bằng cụm từ “thân em”?

17. Em đã được đọc hoặc nghe đến các tác phẩm văn học thời kì trung đại Việt Nam nào viết về người phụ nữ?

18. Trong xã hội hiện nay, cuộc sống và vai trò của người phụ nữ đã thay đổi như thế nào?

Phương pháp dùng lời nghệ thuật (bình giảng): Bên cạnh việc sử dụng hệ thống câu hỏi, bài tập dẫn dắt học sinh hình thành năng lực cảm thụ văn học để tự mình chiếm lĩnh kiến thức, cảm thụ nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, giáo viên cần kết hợp sử dụng phương pháp dùng lời nghệ thuật (giảng bình) để học sinh có thể cảm nhận một cách đầy đủ, sâu sắc cái hay cái đẹp trong mỗi bài thơ trung đại. Những lời bình giảng, phân tích của giáo viên trong giờ đọc - hiểu văn bản sẽ góp phần làm nên dư vị ngọt ngào, khơi gợi cảm xúc của học sinh khi tiếp nhận các giá trị văn chương. Và có một thực tế là những giáo viên có những lời bình hay, độc đáo sẽ được học sinh nhớ mãi, ấn tượng mãi. Nhờ đó năng lực ngôn ngữ; năng lực thưởng thức văn học, cảm thụ thẩm mĩ của học sinh sẽ đạt hiệu quả tối đa

Các bài thơ trung đại đã đạt tới những vẻ đẹp mẫu mực của thi ca cổ điển phương Đông về cả nội dung cảm xúc và nghệ thuật diễn tả. Những giá trị hiện hữu trên bề mặt câu chữ hay hàm ẩn sau câu chữ trong các bài thơ sẽ khơi gợi nhiều hơn nhu cầu và năng lực cảm thụ, đánh giá thẩm mĩ của người học. Đó vừa là cơ sở vừa là lí do để phương pháp dùng lời nghệ thuật xuất hiện nhiều hơn, có chất lượng cao hơn mà vẫn không ảnh hưởng đến việc dạy học phát huy tính tích cực và của học sinh. Vấn đề đặt ra là người dạy phải lựa chọn điểm bình chính xác và đưa ra được lời bình độc đáo có tác dụng gợi cảm nghĩ, giúp người học cảm và hiểu sâu hơn về văn bản và tác giả sáng tạo ra nó.

Khi chuẩn bị cho việc sử dụng phương pháp giảng bình, giáo viên cần nghiên cứu kĩ tác phẩm, lựa chọn những câu thơ, chi tiết, hình ảnh, từ ngữ, phép tu từ được coi là điểm sáng nổi bật trong việc thể hiện nội dung, tư tưởng của tác phẩm.

Ví dụ 1: Điểm bình là một chi tiết ngôn từ (trong bài “Sông núi nước Nam”)

Ở câu thơ đầu của bài thơ, ta chú ý hai chữ “Nam đế”. Nam đế là hoàng đế nước Nam hiểu là “vua nước Nam”. Từ “đế” và từ “vương” trong tiếng Hán dịch sang tiếng Việt đều là vua. Vậy tại sao tác giả không sử dụng từ “vương”. Đây chính là dụng ý của tác giả bởi vì trong quan niệm của những kẻ thống trị phong kiến phương Bắc, thì chỉ có vua của họ mới được xưng “đế”. Dùng hai chữ “Nam đế” tác giả bài thơ “Sông núi nước Nam” biểu hiện một niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Đằng sau câu thơ ta nghe được một tiếng nói mạnh mẽ, kiêu hãnh: phương Nam ta cũng có đế, bình đẳng, ngang hàng với phương Bắc, không kẻ nào được phép coi thường. Từ “Nam đế” đã phần nào khẳng định chủ quyền đất nước, quyền bình đẳng và độc lập của dân tộc ta.

Ví dụ 2: Điểm bình là đặc sắc nghệ thuật được sử dụng trong câu thơ (trong bài “Qua đèo Ngang”)

Hai câu thơ “Lom khom dưới núi tiều vài chú / Lác đác bên sông chợ mấy nhà” Bà Huyện Thanh Quan đã sử dụng bút pháp nghệ thuật tài tình để nhấn mạnh, làm nổi bật nội dung của câu thơ. Trong nghệ thuật kết cấu thơ, tác giả thật khéo dùng câu đối xứng “Lom khom dưới núi tiều vài chú” đối xứng với “Lác đác bên sông chợ mấy nhà”, đường nét đối xứng với đường nét, hình ảnh cuộc sống con người đối xứng với nhau. Trong nghệ thuật dùng từ, tác giả chọn những từ láy “lom khom, lác đác”gợi hình, gợi cảm, tác động vào sự suy ngẫm, liên tưởng của người đọc. Thêm nữa, trong cấu trúc câu xuất hiện phép đảo ngữ, từ “lom khom” đảo lên trước cụm từ “tiều vài chú”, lác đác” đảo lên trước cụm từ “chợ mấy nhà”. Nhờ đó, ấn tượng về dáng hình vất vả của người tiều phu, sự thưa thớt, quạnh hiu của lều chợ được nhấn mạnh như nét đậm trong bức tranh...

Ví dụ 3: Lời bình một câu thơ (trong bài “Bạn đến chơi nhà”):

Những trầu, những cá, những gà...những thứ rất cần có để con người bày tỏ tình thân đều không có. Nhưng đủ đầy những thứ đó rồi cũng chỉ chốc lát qua đi, để cuối cùng còn lại “ta với ta”, hai con người tâm đầu ý hợp, tri âm, tri kỉ, gắn bó và hòa hợp. Và đó chính là sự cao quý bền vững muôn đời của tình bạn. Tình bạn ấy của Nguyễn Khuyến đã nói với chúng ta về bản chất tinh thần của mối quan hệ con người với con người, để ta tin tưởng vào tình bạn trong sáng, thủy chung là có thật ở đời...

           Ví dụ 4: Lời bình về ý nghĩa nhân bản của bài thơ ( trong bài “Bánh trôi nước”)

Nói về người phụ nữ, bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương tuy có bi nhưng không lụy trong nỗi đau mà vẫn sáng lên niềm tin vào vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ. Niềm tin ấy xuất phát từ chính tấm lòng tha thiết của nữ sĩ. Chính vì thế mà thơ Hồ Xuân Hương là một nốt nhấn sâu sắc, mạnh mẽ trong bản hòa ca của văn học trung đại, là dòng xoáy giữa dòng sông lặng chảy của văn học phong kiến Việt Nam. Cho dù trong cuộc sống hôm nay, vị trí, vai trò của người phụ nữ đã được khẳng định nhưng đọc những lời thơ mang giá trị nhân bản sâu sắc của Xuân Hương ta vẫn lắng mình trong niềm đồng vọng với ngày xưa, vẫn đau nỗi đau của người phụ nữ, vẫn tin vào tâm hồn đẹp đẽ của họ để có thêm sức mạnh cho cuộc sống hiện tại và tương lai.

Trong quá trình hướng dẫn học sinh phân tích, cảm thụ tác phẩm thơ trữ tình trung đại Việt Nam, bên cạnh việc giáo viên đưa ra những lời bình đúng lúc, đúng mức nhằm nâng cao, mở rộng nội dung bài học, giúp học sinh cảm nhận sâu sắc giá trị của tác phẩm, giáo viên cũng cần khuyến khích học sinh tự đưa ra những lời bình giá về một từ ngữ, hình ảnh, câu thơ...trong tác phẩm để góp phần phát triển năng lực cảm thụ văn chương của học sinh đồng thời khuyến khích khả năng sáng tạo của học sinh trong quá trình tiếp nhận tác phẩm.

  Phương pháp dạy học theo nhóm ( thực hiện với những nội dung đòi hỏi phải có sự tương tác của khối lượng từ 4 đến 6 học sinh): Chẳng hạn với việc so sánh hiện tượng trong các tác phẩm văn học trung đại. Giáo viên dựa vào những nét tương đồng và khác biệt của các hiện tượng, yếu tố văn học có liên quan để giúp học sinh nhận rõ hơn đối tượng đang phân tích, mở rộng phạm vi hiểu biết đồng thời tìm hiểu một cách sâu sắc hơn về một nội dung kiến thức cụ thể.

Ví dụ:

Dạy bài thơ “Bạn đến chơi nhà” và bài thơ “Qua đèo Ngang”, chúng ta có thể hướng dẫn học sinh so sánh bằng cách cho thảo luận nhóm trong khoảng 5 phút với câu hỏi: Trong câu cuối của hai bài thơ “Qua đèo Ngang” và “Bạn đến chơi nhà” đều xuất hiện cụm từ “ta với ta”. Hãy so sánh và chỉ ra điểm khác nhau giữa hai cụm từ này trong hai bài thơ?

Cụm từ “ta với ta” trong bài thơ “Qua đèo Ngang” (Bà huyện Thanh Quan) chỉ một mình tác giả trước cảnh trời non nước ở đèo Ngang, thể hiện tâm trạng buồn, cô đơn của tác giả trước khung cảnh hoang sơ, vắng lặng của đèo Ngang.

Cụm từ “ta với ta” trong bài thơ “Bạn đến chơi nhà” (Nguyễn Khuyến) chỉ tác giả và người bạn, thể hiện tình bạn gắn bó tuy hai mà một, chân thành, đằm thắm vượt lên trên điều kiện khó khăn vật chất.

Thơ trung đại diễn tả các sắc thái tâm hồn con người cá thể hướng tới sự chia sẻ, đồng cảm nên luôn đòi hỏi sự cảm thụ cá thể của người đọc. Do đó hoạt động dạy chủ yếu là khơi gợi năng lực cá thể học sinh trong đọc - hiểu. Đó chính là ta đã thực hiện được yêu cầu đổi mới về năng lực và phẩm chất của người học theo đinh hướng tiếp cận năng lực người học. Bằng các hình thức tổ chức học tập cho học sinh, giáo viên tạo cơ hội cho mỗi học sinh bộc lộ năng lực ngữ văn của riêng mình. Nhưng khi đối tượng là các bài thơ trung đại vốn là sản phẩm của các tác giả trong xã hội quá khứ, sáng tạo theo một truyền thống thẩm mĩ đầy những ước lệ của quá khứ thì việc gia tăng lời giảng của giáo viên và hình thức học theo nhóm hỗ trợ cũng là cần thiết. Sử dụng bảng phụ hay phương tiện công nghệ thông tin sẽ là các phương tiện dạy học hỗ trợ có hiệu quả. Chẳng hạn có thể sử dụng các khúc nhạc, bài hát có liên quan đến nội dung bài học để bắt đầu và khép lại bài học. Việc thiết kế và trình chiếu qua phương tiện điện tử các tư liệu liên quan đến tác giả và tác phẩm (chân dung tác giả, nguyên bản tác phẩm, xuất xứ tác phẩm, một hai lời bình luận của các nhà nghiên cứu nổi tiếng về tác giả, tác phẩm được học...) tạo thêm cơ sở cho đọc - hiểu, thêm hứng thú học tập cho học sinh.

Như vậy giáo viên phải đa dạng hóa các hình thức dạy học văn bản thơ trung đại và vận dụng chúng như thế nào cho có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu dạy học tích cực. Cần tăng cường đọc diễn cảm; kết hợp đàm thoại bằng hệ thống câu hỏi cảm thụ, phân tích văn bản thơ với lời giảng bình gia tăng đúng chỗ; coi trọng cá nhân tự bộc lộ với thảo luận nhóm; thiết kế và trình chiếu qua phương tiện điện tử các tư liệu liên quan đến nội dung bài học. Điều đó sẽ góp phần tích cực trong việc nâng cao kết quả dạy học các tác phẩm thơ trung đại.

b3. Hoạt động luyện tập: Để hoàn thành tốt và có hiệu quả hoạt động luyên tập trên lớp, giáo viên nên lựa chọn ngay nội dung luyện tập ở cuối mỗi bài trong sách giáo khoa sau phần hệ thống câu hỏi đọc - hiểu văn bản. Hệ thống bài tập này sẽ giúp học sinh củng cố kiến thức vừa lĩnh hội trong hoạt động hình thành kiến thức.

Ví dụ, với bài “Qua đèo Ngang” phần luyện tập củng cố thực hiện với câu hỏi: Tìm hàm nghĩa của cụm từ “ta với ta”: Tuy hai mà một, một mình đối diên với chính mình biểu lộ sâu sắc và thấm thía sự cô đơn của tác giả trước khung cảnh thiên nhiên trời đất mênh mông, hoang vắng nơi xứ lạ.

Chính hoạt động luyện tập sẽ giúp học sinh hệ thống kiến thức trọng tâm và làm nổi bật chủ đề của tác phẩm

b4. Hoạt động vận dụng: Đây chính là hoạt động thể hiện rõ khâu tích hợp với phân môn Tập làm văn và Tiếng Việt trong việc dạy các tác phẩm thơ trung đại.

Ví dụ: Sau khi tìm hiểu xong bài “Bạn đến chơi nhà” có thể cho học sinh viết đoạn văn ngắn về tình bạn

b5. Hoạt động tìm tòi mở rộng: Hoạt động này sẽ khuyến khích học sinh tìm hiểu thêm để mở rộng kiến thức được lĩnh hội trong bài học. Đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho học sinh để tiến hành cho bài học tiếp theo.

2. Kết quả đạt được

Kết quả như sau:

          Năm học 2018 – 2019 ( Khi chưa thực hiện kinh nghiệm)

Lớp

(Sĩ số)

Môn

Giỏi

Khá

TB

Yếu

SL

%

SL

%

SL

%

SL

%

7A (43)

Văn

 3

7

12

27

20

45

9

21

7B (32)

Văn

0

 

8

25

16

50

8

25

 

Ta thấy rất rõ tỉ lệ điểm đạt loại giỏi là rất thấp ( chỉ đạt từ 0->7 %), và tỉ lệ điểm yếu còn rất cao ( trên 20%)

            Năm học 2019 – 2020( Áp dụng kinh nghiệm)

Lớp

(Sĩ số)

Môn

Giỏi

Khá

TB

Yếu

SL

%

SL

%

SL

%

SL

%

7A (33)

Văn

9

27

17

53

7

20

0

0

7B (30)

Văn

3

10

11

37

16

53

0

0

        Rõ ràng nhìn vào kết quả ta thấy được hiệu quả của việc áp dụng sáng kiến trên vào giảng dạy các tác phẩm thơ trung đại Việt Nam là rất tốt. Tỉ lệ điểm giỏi tăng cao, tỉ lệ điểm yếu đã giảm rõ rệt thậm chí có lớp đã không còn điểm yếu.

           Trong quá trình giảng dạy, với ý thức luôn tìm tòi, nghiên cứu và thử nghiệm vận dụng các phương pháp giảng dạy sao cho đáp ứng quan điểm đổi mới phương pháp dạy học và phù hợp với đặc trưng thể loại. Bên cạnh kết quả đạt được trên cơ sở của các bài kiểm tra đánh giá theo định kì như bảng thống kê trên, tôi còn nhận thấy những kết quả như sau:

Đa số các em học sinh đã thực sự thích thú với những tác phẩm thơ trung đại và những giờ dạy học tác phẩm thơ trung đại.

100% các em học sinh biết đọc diễn cảm và đọc thuộc lòng các tác phẩm thơ trung đại.

90% các em học sinh biết cách phân tích, trình bày cảm nhận về một tác phẩm thơ trung đại.

Như vậy qua kết quả thu được, tôi thấy theo các phương pháp nêu ở phần nội dung là phù hợp. Học sinh không những hiểu bài, thuộc bài, hứng thú với môn học mà còn rèn được kỹ năng thuyết trình, kĩ năng cảm thụ văn học, bồi đắp tình yêu với quê hương đất nước cũng như năng lực tìm tòi, sáng tạo.

Học sinh học tập chủ động tích cực sáng tạo. Học sinh được làm việc nhiều, giáo viên là người hướng dẫn. Như vậy là đạt được yêu cầu của phương pháp đổi mới dạy học dựa theo năng lực của người học.

                                      C. KẾT LUẬN

1. Những nhận định chung

Cảm nhận thơ trung đại Việt Nam là một vấn đề khó nhưng tổ chức, hướng dẫn để học sinh cảm nhận được nó lại là một vấn đề còn khó hơn. Việc sử dụng kết hợp linh hoạt các phương pháp, biện pháp giảng dạy đáp ứng yêu cầu đổi mới, phù hợp với đặc trưng thể loại đối với việc dạy - học tác phẩm thơ trữ tình trung đại Việt Nam là yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công của các giờ day - học, giúp học sinh nắm vững kiến thức, có những rung cảm thực sự trước tác phẩm. Để làm được điều này người giáo viên phải thực sự yêu thơ, tâm huyết trong giờ dạy và tích cực đổi mới hoạt động dạy. Là giáo viên trực tiếp giảng dạy, bản thân  tôi đã tìm tòi, học hỏi và nghiên cứu tài liệu để từ đó đúc kết thành kinh nghiệm về phương pháp tiếp cận và cảm thụ các tác phẩm thơ trung đại Việt Nam.

 Không có một phương pháp một kĩ thuật dạy học nào tối ưu và hoàn hảo. Việc phối kết hợp kĩ thuật và các phương pháp trình bày đã kích thích được hứng thú học tập phát huy sự chủ động tích cực và phát huy được năng lực của học sinh. Để có nhiều tiết dạy thành công theo tôi cần có là:

Nắm chắc các bước dạy kiểu bài đọc hiểu tác phẩm thơ trung đại Việt Nam.

Phát huy tính chủ động tích cực của học sinh trong tiết học bằng cách phối hợp nhiều phương pháp. Đặc biệt là khâu giao nhiệm vụ cho học sinh chuẩn bị nội dung bài học ở nhà từ tiết học hôm trước qua hệ thống câu hỏi hoặc bài tập phải cụ thể.

Bản thân người giáo viên phải đọc, nghiên cứu nhiều tài liệu có liên quan. Trao đổi học tập các đồng nghiệp đi trước, dự giờ tại trường nhiều, đặc biệt các đợt hội giảng huyện từ đó bồi dưỡng tích luỹ kiến thức kinh nghiệm cho bản thân. Bên cạnh đó cần đầu tư nghiên cứu, chuẩn bị các phương tiện, đồ dùng dạy học thiết kế giáo án chú trọng đến hệ thống câu hỏi và nội dung trọng tâm của bài. Chủ động, tự tin, tâm thế vững vàng khi đứng lớp.

2. Phạm vi áp dụng

Sáng kiến này có thể áp dụng rộng rãi ở môn Ngữ Văn phần dạy đọc - hiểu các tác phẩm thơ trữ tình nhất là thơ trung đại Việt Nam ở các nhà trường THPT, THCS. Sáng kiến: Dạy đọc - hiểu thơ trung đại Việt Nam được tôi tiến hành áp dụng dạy thực nghiệm đại trà với học sinh các khối lớp 7 trường TH & THCS Chính Nghĩa ở hai năm học từ năm 2018 - 2020. Số học sinh nắm được bài tăng lên, kết quả kiểm tra tương đối cao. Tổng kết môn học số lượng học sinh khá giỏi tăng liên tục ở  năm sau. Sau hai năm thực nghiệm đạt kết quả  tương đối khả quan.

3. Những triển vọng

Trên thực tế Sáng kiến: Dạy đọc - hiểu thơ trung đại Việt Nam trong chương trình Ngữ Văn 7 theo định hướng phát triển năng lực có nhiều triển vọng. Trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục học hỏi nghiên cứu đúc rút kinh nghiệm để mở rộng và phát triển sáng kiến này. Đặc biệt với các đối tượng học sinh trung bình và còn yếu cần nghiên cứu thêm các biện pháp để giờ dạy đạt hiệu quả hơn.

4. Đề xuất kiến nghị

           a.Với đồng nghiệp:

     Tôi mong muốn nhận được sự đóng góp ý kiến cho sáng kiến này cũng như sự trao đổi kinh nghiệm giảng dạy của đồng nghiệp để bản thân tôi được học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ dạy học và giáo dục.

       Cá nhân mỗi giáo viên chúng ta, đặc biệt là những giáo viên trẻ cần phải thường xuyên, tích cực tự bồi dưỡng, học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm của mình. 

      b. Với tổ, nhóm chuyên môn

       Tiếp tục phát huy hiệu quả sinh hoạt nhóm chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học để cùng nhau đưa ra các giải pháp và tháo gỡ khó khăn khi gặp phải trong quá trình giảng dạy.

        Tiếp tục phát huy hiệu quả của sáng kiến này đề tiếp tục thử nghiệm, rút kinh nghiệm để hoàn thiện sáng kiến này và áp dụng vào dạy học  sinh trong trường. Qua đó mỗi giáo viên được bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và nâng cao chất lượng dạy - học trong nhà trường.

        Giáo viên trong nhóm dạy Ngữ văn nói riêng và giáo viên dạy các bộ môn nói chung cần đầu tư nhiều thời gian hơn nữa để tìm hiểu về các phương pháp dạy học tích cực và áp dụng nó vào thực tế giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng dạy học.

       3. Với BGH nhà trường:

        Đề nghị BGH tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về kinh phí, cở sở vật chất đầy đủ cho công tác chuyên môn. Nếu có thể liên kết tổ chức các cuộc Hội thảo chuyên đề về môn Ngữ văn cũng như các môn khác với các trường THCS lân cận, để tạo cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên.

       Tôi xin cam đoan, sáng kiến Dạy đọc - hiểu thơ trung đại  Việt Nam trong chương trình Ngữ Văn 7 theo định hướng phát triển năng lực do tôi tiến hành và áp dụng tại trường THCS Chính Nghĩa – Kim Động – Hưng Yên. Giải pháp này tôi chưa sử dụng để xét đăng kí thi giáo viên dạy giỏi và chưa được dùng để xét duyệt thành tích khen thưởng trước đây.

                                                       Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

                                              Chính Nghĩa,  ngày 16 tháng 2 năm 2021

                                                                      Người viết  

 

 

                                                   Nguyễn Thị Mai Hương

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

XÁC NHẬN CỦA HỘI ĐỒNG KHOA HỌC

TRƯỜNG TH &THCS CHÍNH NGHĨA

Tổng điểm:......................................Xếp loại:......................................

TM. HỘI ĐỒNG KHOA HỌC

CHỦ TỊCH – HIỆU TRƯỞNG

(Ký, ghi rõ họ và tên, đóng dấu)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

XÁC NHẬN CỦA HỘI ĐỒNG KHOA HỌC

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KIM ĐỘNG

 

Tổng điểm:................................ Xếp loại:......................................

 

TM. HỘI ĐỒNG KHOA HỌC

CHỦ TỊCH – TRƯỞNG PHÒNG

(Ký, ghi rõ họ và tên, đóng dấu)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

XÁC NHẬN CỦA HỘI ĐỒNG KHOA HỌC

HUYỆN KIM ĐỘNG

 

Tổng điểm:................................ Xếp loại:......................................

 

TM. HỘI ĐỒNG KHOA HỌC

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG

(Ký, ghi rõ họ và tên, đóng dấu)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                      PHẦN PHỤ LỤC  

           DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Một số vấn đề đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ Văn THCS - Nhà xuất bản Giáo dục - năm 2008.

2. Tài liệu bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên THCS chu kì III (2004 - 2007) Nhà xuất bản Giáo dục năm 2006.

3. Sách giáo khoa, sách giáo viên Ngữ Văn 7- Nhà xuất bản Giáo dục năm 2011.

4. Tài liệu Đọc - hiểu văn bản Ngữ Văn 7 - Nhà xuất bản Giáo dục

5. Tài liệu Phương pháp dạy học tác phẩm văn chương theo loại thể - NXB Đại học quốc gia Hà Nội.

6. Phân tích tác phẩm Ngữ Văn 7 - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam năm 2011

                                      DANH MỤC VIẾT TẮT

Viết thường

Viết tăt

Phương pháp dạy học

PPDH

Kĩ thuật dạy học

KTDH

Giáo viên

GV

Học sinh

HS

Hội đồng khoa học

HĐKH

Phòng giáo dục

PGD

Trung học cơ sở

THCS

Trung học phổ thông

THPT

Sách giáo khoa

SGK

Sách giáo viên

SGV

                                      

 

                                          MỤC LỤC

SỐ THỨ TỰ

Trang

PHẦN 1: LÍ LỊCH

1

PHẦN 2: NỘI DUNG

2

A. MỞ ĐẦU

2

I. Đặt vấn đề

2

1. Thực trạng của

2

2. Ý nghĩa và tác dụng

3

3. Phạm vi nghiên cứu của đề tài

3

II. Phương pháp tiến hành

3

1. Cơ sở lí luận

3

2. Cơ sở thực tiễn

4

3. Các biện pháp tiến hành

5

4. Thời gian tạo ra giải pháp

5

B. NỘI DUNG

5

I. Mục tiêu

5

II. Mô tả sáng kiến

6

1. Thuyết minh tính mới

6

2. Kết quả

22

C. KẾT LUẬN

23

1. Những nhận định chung

23

2. Phạm vi áp dụng

24

3. Những triển vọng

24

4. Đề xuất kiến nghị

24

Danh mục tư liệu tham khảo, danh mục viết tắt

30

Mục lục

31

 

 

 

Tác giả: Trường THCS Chính Nghĩa
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2
Hôm qua : 38
Tháng 05 : 542
Năm 2024 : 6.480